Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm: Không lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật

Nghi ngờ thực phẩm bẩn, hàng nghìn phụ huynh cho con xét nghiệm sán lợn
Nghi ngờ thực phẩm bẩn, hàng nghìn phụ huynh cho con xét nghiệm sán lợn
TPO - Làm việc với UBND huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) chiều 19/3, Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục an toàn  thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: “Không thực hiện lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật còn công ty vi phạm ATTP phải xử lý nghiêm. Dù đơn vị vi phạm có thay tên đổi họ đến đâu cũng phải xử lý”.

Tại buổi làm việc chiều 19/3, ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết, đến thời điểm này đã đình chỉ Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non Thanh Khương và 1 số cán bộ. Ông Nho cũng cho rằng, từ khi xảy ra sự việc đến nay, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì nhiều cuộc họp chỉ đạo, giao việc với tinh thần rốt ráo, nghiêm túc.

Trên thực tế, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành cung cấp thực phẩm cho 21/26 trường trên địa bàn, trong đó có 19 trường mầm non, 3 trường tiểu học với khoảng 9.000 học sinh.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm sau đó tự nguyện mang con cháu đi đến các sơ sở y tế để xét nghiệm là hết sức chính xác.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm ở Trường mầm non Thanh Khương có liên quan gì đến việc các cháu đồng loạt xét nghiệm sán và có kết luận dương tính hay không thì đến thời điểm này chưa  có cơ sở để khẳng định. Bởi vì mẫu thực phẩm không lưu.

“Chưa kể, trong thực phẩm có sán nhưng thực phẩm đã nấu chín cũng không có nguy cơ lây bệnh. Nguồn lây nhiễm sán ngoài thực phẩm ăn uống như thịt cá, rau sống, môi trường nước không đảm bảo, khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ…”, ông Phong nói.

"Dương tính với sán lợn, theo phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành 2004 thì chưa có chỉ định điều trị. Chỉ khi người dân đi ngoài ra đốt sán (nhiễm sán trưởng thành), nổi mụn hạch (nhiễm ấu trùng sán) thì mới phải điều trị", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) 

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, đã có quy định rất rõ về việc lưu mẫu thực phẩm nhưng nếu đơn vị không lưu mẫu là vi phạm pháp luật. “Không thể vì không lấy mẫu mà không lưu mẫu.

Trả lời báo chí về việc, Cty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành hiện đã chuyển chỗ có phải là hành vi lẩn trốn, ông Phong cho rằng, việc xử lý vi phạm ATTP phải xử lý nghiêm. Dù đơn vị vi phạm có thay tên đổi họ đến đâu cũng phải xử lý.  

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khẳng định, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh, trong máu thì cũng không thể khẳng định có sán. Điều này được ghi trong tài liệu trong và ngoài nước. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần chẩn đoán. Dương tính với sán lợn, theo phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành 2004 thì chưa có chỉ định điều trị. Chỉ khi người dân đi ngoài ra đốt sán (nhiễm sán trưởng thành), nổi mụn hạch (nhiễm ấu trùng sán) thì mới phải điều trị.

"Điều trị không khó khăn, thuốc không đắt. Một liều thuốc duy nhất có thể diệt được sán trưởng thành, ấu trùng thì có thể kéo dài hơn, nhưng khẳng định là có thuốc", ông Phong nói. Thời gian tới, với kết quả xét nghiệm hai bệnh viện trung ương trả về là dương tính, thay vì đề nghị sau hai tuần khám lại, Bộ sẽ kiến nghị cán bộ bệnh viện trong giai đoạn chờ tái khám xuống trực tiếp địa phương, cùng y tế kiểm tra theo dõi.

Đối với các cháu có kết quả nhiễm sán, ông Phong đề nghị cán bộ nhà trường theo dõi ấu trùng, ký sinh trùng đường ruột, sức khỏe các cháu, nếu có bất thường thì báo để điều trị. Để phòng chống giun sán, không chỉ ở trường học mà cả cộng đồng phải thực hiện nghiêm túc ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đó là những việc dễ làm để phòng ngừa các bệnh ký sinh trùng đường ruột, trong đó có giun sán.

MỚI - NÓNG