Cứu bé 2 tháng hoại thư bìu hiếm gặp

Cứu bé 2 tháng hoại thư bìu hiếm gặp
Vùng bìu đột ngột lở loét, bầm tím kéo dài vì chứng bệnh hoại thư Fournier hiếm gặp, bé trai hơn 2 tháng tuổi từ KBang (Gia Lai) may mắn được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM kịp thời phẫu thuật cứu sống.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, người mổ chính cho biết, bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, vùng bìu bầm tím, lở loét, phần hoại thư đã lan rộng làm hai tinh hoàn gần như lộ ra ngoài. Bé được chẩn đoán mắc chứng hoại thư bìu Fournier cực kỳ hiếm gặp ở trẻ em. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật cắt lọc đi những mô hoại tử để ngăn chặn sự lan rộng.

Bé trai đang hồi phục tốt sau phẫu thuật bìu Fournier hiếm gặp
Bé trai đang hồi phục tốt sau phẫu thuật bìu Fournier hiếm gặp. Ảnh: Lê Phương (VnExpress)

"Nếu để chậm trễ phần hoại thư sẽ lan rộng không kiểm soát được, dễ nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến tử vong", bác sĩ Thạch phân tích.

Người nhà cho biết, cách đây khoảng nửa tháng vùng bìu của bé bị sưng, lở loét, sốt cao. Bé được chuyển vào bệnh viện tại địa phương để điều trị nhưng tình trạng không thuyên giảm. May mắn được một nhóm từ thiện bắt gặp, một thành viên trong đoàn đã gửi hình ảnh về cho bác sĩ Thạch. Từ hình ảnh và những mô tả bệnh lý, vị bác sĩ này đã phần nào dự đoán được căn bệnh lạ nên yêu cầu chuyển gấp bệnh nhân về TP HCM.

Sau gần một tuần phẫu thuật, hiện bệnh nhi đã bớt sốt, vết mổ hồi phục tương đối tốt. Những ngày tới bé vẫn được dùng kháng sinh mạnh, chăm sóc vệ sinh vùng tổn thương tại chỗ và tích cực theo dõi. Nếu hồi phục tốt thì bé sẽ không phải can thiệp gì nữa, nếu chuyển biến xấu thì hoại tử tới đâu sẽ cắt tới đó.

Theo bác sĩ Thạch, hoại thư bìu Fournier là căn bệnh hiếm gặp, nhất là đối với trẻ em, được mô tả lần đầu tiên năm 1883. Y văn thế giới ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó chỉ có 60 trẻ em. Đây là một cấp cứu ngoại khoa tối khẩn. Tốc độ lan của vùng hoại thư rất nhanh, tỷ lệ tử vong khá cao khoảng 20-40%, nếu xảy ra sốc nhiễm trùng nhiễm độc thì tỷ lệ này có thể lên đến 70%.

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Ở người lớn, bệnh thường xảy ra ở trường hợp suy giảm miễn dịch, người đái tháo đường… Trong khi đó, ở trẻ em bệnh có thể khởi phát ở những trẻ khỏe mạnh.

Do biểu hiện ban đầu của bệnh có thể nhầm lẫn với một số trường hợp như trẻ bị côn trùng cắn, bị hăm tã, viêm da thông thường... nên dễ bị bỏ sót. Có thể phân biệt dựa vào sự bầm tím của vùng da bắt đầu từ bìu rồi lan toả dần tới các vùng khác. Trẻ thường có diễn tiến sốt cao, quấy khóc, không đáp ứng với chăm sóc tại chỗ, vùng hoại thư lan rộng nhanh khi điều trị kháng sinh.

Bác sĩ Thạch khuyến cáo, phụ huynh khi thấy trẻ có biểu hiện lở loét, sưng mủ, viêm nhiễm vùng bìu cần cảnh giác, đi khám chuyên khoa sớm, không thể chủ quan đó là những viêm da hăm lở bình thường.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG