Cứu sống bệnh nhân vỡ lách nguy kịch mà không cần phẫu thuật

TPO - Trong lúc đi làm về, một người đàn ông bất ngờ bị va chạm giao thông. Vụ tai nạn khiến anh này bị gãy xương đòn, gãy đa xương sườn, vỡ lách bất tỉnh.

Sáng ngày 21/5, thông tin từ Bệnh Viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa điều trị thành công  bệnh nhân vỡ lách độ 3 đang chảy máu trong ổ bụng bằng phương pháp nút mạch, không phẫu thuật.

Cứu sống bệnh nhân vỡ lách nguy kịch mà không cần phẫu thuật ảnh 1

Hiện tại tình trạng sức khỏe anh Kháng đã ổn định - Ảnh: Kim Hà. 

Bệnh nhân nói trên là anh Lê Minh Kháng (35 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Sau khi nhập viện, anh Kháng được chẩn đoán vỡ lách, gãy xương đòn, gãy đa xương sườn và được chỉ định điều trị vỡ lách bằng phương pháp bảo tồn và theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng mỗi ngày.

Sau 5 ngày hôn mê, anh Kháng tỉnh lại trong tình trạng niêm nhợt, vã mồ hôi, tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp thấp. Bệnh nhân được nhanh chóng hồi sức tích cực và hội chẩn khẩn với  bác sĩ chuyên khoa can thiệp nội mạch.

Sau khi thăm khám, thử máu, siêu âm, chụp CT các bác sĩ chẩn đoán anh Kháng bị vỡ lách độ 3. Đồng thời quyết định điều trị bằng phương pháp “Nút nhánh động mạch lách đang chảy máu”.

Được biết, đây là phương pháp điều trị nội mạch dưới máy chụp mạch kỹ thuật số hóa xoá nền (DSA). E kíp can thiệp đã thực hiện luồn ống thông nhỏ từ động mạch đùi thông qua động mạch chậu vào động mạch chủ và đến động mạch lách. Sau đó, tiến hành bơm thuốc cản quang nhằm xác định vị trí động mạch lách bị vỡ, rồi tiếp tục luồn một ống siêu nhỏ vào động mạch đang chảy máu và bơm keo vá chỗ thủng, giúp cầm máu và gắn liền nhu mô lách. Trong vòng 30 phút, thủ thuật nút động mạch lách đã được thực hiện thành công.

Hiện tại, anh Kháng đã tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, bớt đau bụng. Chụp kiểm tra CT thấy thoát mạch do giả phình động mạch lách đã được tắt hoàn toàn.

Theo BS CKII Nguyễn Văn Bi - Trưởng khoa ngoại tổng hợp, trước đây những bệnh nhân chấn thương lách độ 3, chảy máu ổ bụng thường phải phẫu thuật khâu cầm máu hoặc cắt lách để cầm máu, bệnh nhân phải trả qua cuộc đại phẫu, thời gian phục hồi kéo dài. Còn với phương pháp này, ưu điểm là giữ lại được lá lách, bệnh nhân chỉ gây tê tại chỗ, thời gian thủ thuật ngắn, ít đau, phục hồi nhanh và không để lại vết mổ trên thành bụng.


MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.