Cứu sống ca tai nạn giao thông 'thần chết đợi ngay cửa'

Cứu sống ca tai nạn giao thông 'thần chết đợi ngay cửa'
TPO - Sau khi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, chị H. nhập viện tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán đa chấn thương, gãy hai xương cẳng chân phải, tràn máu màng phổi phải, gãy đa cung sườn, dập rách gan, tình trạng cực kì nguy kịch.

Ngày 6/5, thông tin từ BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết BV đã tiếp nhận điều trị thành công , cứu sống nữ bệnh nhân Đ.T.H (sinh năm 1967, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, da niêm mạc nhợt nhạt, hai chân sưng căng, tím tái. Chị H. được tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao với chẩn đoán vỡ cơ hoành phải, gây thoát vị gan lên ngực, huyết khối tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ bụng, dập, rách gan hạ phân thùy VI, gãy xương sườn 8,9,10,11 phải, gãy 2 xương cẳng chân phải đã phẫu thuật kết hợp xương.

Khai thác bệnh sử  cho thấy sau khi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, chị H. nhập viện tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán đa chấn thương, gãy hai xương cẳng chân phải, tràn máu màng phổi phải, gãy đa cung sườn, dập rách gan. Khi đó, bệnh nhân được phẫu thuật kết hợp xương cẳng chân phải và đặt dẫn lưu màng phổi phải. Hơn một tháng nằm viện nhưng người này  vẫn cảm thấy mệt, khó thở tăng dần, hai chân sưng phù, tím lạnh. Xuất viện được vài ngày bệnh trở nặng, chị được người nhà chuyển đến BV ĐHYD.

Cứu sống ca tai nạn giao thông 'thần chết đợi ngay cửa' ảnh 1 Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
 Trước tình trạng nguy kịch của người bệnh, Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn toàn viện khẩn liên chuyên khoa Lồng ngực – Mạch máu, Tim mạch can thiệp, Ngoại Gan - Mật - Tụy, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Phẫu thuật tim, Chấn thương chỉnh hình, Phục hồi chức năng. Buổi hội chẩn đã chẩn đoán và tiên lượng đầy đủ các tổn thương phức tạp của người bệnh và các phương án phối hợp chuyên khoa chữa trị.

Đầu tiên, ê-kíp Can thiệp tim mạch đặt lưới lọc vào tĩnh mạch chủ để ngăn cản khối máu đông đi lên tim-phổi, quá trình này thực hiện tại đơn vị can thiệp mạch với máy chụp mạch xóa nền (DSA). Sau đó, ê-kíp Lồng ngực – Mạch máu tiến hành phẫu thuật mở ngực-bụng, khâu tái tạo cơ hoành và đưa các tạng thoát vị về lại khoang bụng, đồng thời, lấy nhiều huyết khối phục hồi lưu thông tĩnh mạch chủ dưới. Trong quá trình phẫu thuật, chuyên khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy luôn túc trực sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp có tổn thương gan và tạng bụng phức tạp khác.

            ThS BS. Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu BV ĐHYD, trưởng ê-kíp phẫu thuật cho biết người bệnh có hai tổn thương rất nặng là vỡ cơ hoành và tắc tĩnh mạch chủ bụng.. “Khi cơ hoành bị rách, các tạng trong bụng sẽ dồn lên ngực, chèn ép tim-phổi, gây khó thở, các cơ quan trong ổ bụng bị dịch chuyển gây vặn xoắn, thiếu máu dẫn đến hoại tử. Vỡ cơ hoành do chấn thương rất ít gặp, có tỉ lệ tử vong khá cao, từ 12 - 42%. Tĩnh mạch chủ dưới có vai trò dẫn máu từ hai chân và phần dưới của cơ thể về tim, khi tĩnh mạch chủ bị tắc, máu bị ứ trệ dẫn đến hai chân bị sưng phù và có nguy cơ hoại tử. Ngoài ra, máu cục trong lòng tĩnh mạch có thể bong và trôi về tim, làm tắc mạch phổi gây suy hô hấp và nguy cơ tử vong cao. Người bệnh này có cùng lúc hai tổn thương rất nguy hiểm, kèm theo hậu quả của đa chấn thương khác gồm vỡ gan, gãy nhiều xương sườn…và tình trạng suy kiệt sau thời gian dài. Do đó, tình trạng như chị H. rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào”, BS Vỹ phân tích.

Sau hơn 20 ngày, chị H. đã hồi phục sức khoẻ, không còn khó thở, hai chân hết sưng và xuất viện với sức khỏe ổn định.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).