Cứu sống cháu bé 2 tháng tuổi không hậu môn, suy tim

Cháu Ân bị nhiều bệnh nặng đã được cứu sống tại BV Trung ương Huế với sự góp sức không nhỏ của lãnh vực Gây mê hồi sức trẻ em
Cháu Ân bị nhiều bệnh nặng đã được cứu sống tại BV Trung ương Huế với sự góp sức không nhỏ của lãnh vực Gây mê hồi sức trẻ em
Ngày 30/4, tin từ Bệnh viện (BV) Trung ương Huế cho biết vừa phẫu thuật cứu sống thành công một trường hợp cháu bé 2 tháng tuổi bị dị tật không hậu môn và tim bẩm sinh rất nặng.

Bệnh nhân là cháu Bùi Hồng Ân (2 tháng tuổi, trọng lượng 3kg, quê ở Trà Giang, Bắc Trà My, Quảng Nam). Khi sinh ra cháu bị dị tật không có hậu môn. Bệnh nhân đã được phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo.

Hai tháng sau bé được chuyển đến BV Trung ương Huế phẫu thuật hạ bóng trực tràng để cháu đại tiện theo đường tự nhiên. Đây là một phẫu thuật lớn, tư thế phẫu thuật bệnh nhân nằm sấp nên vấn đề gây mê hồi sức trong mổ rất khó khăn.

Điều muốn nhấn mạnh là cháu bị đa dị tật, bên cạnh dị tật không có hậu môn, bé còn bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Kết quả siêu âm tim tại BV Trung ương Huế kết luận bé bị “chuyển vị đại động mạch, kênh nhĩ thất toàn phần, hẹp động mạch phổi, còn ống động mạch”.

Bé còn bị suy dưỡng, khó thở, môi và đầu chi tím. Xét nghiệm khí máu trước mổ của bé kết quả rất xấu, pH máu 7,2, pCO2 46,3 mmHg, PO2 chỉ còn 6 mmHg (bình thường 70-100 mmHg), SaO2 <40% (bình thường 75-99%).

Trước tình hình đó, Khoa Ngoại Nhi Cấp cứu bụng và Khoa Gây mê Hồi sức A đã hội chẩn để có kế hoạch phẫu thuật cho cháu. Phẫu thuật viên là TS. Hồ Hữu Thiện, Gây mê chính TS. Nguyễn Viết Quang, phụ gây mê là BS CK1 Huỳnh Đức Vĩnh, CN Lê Thị Kim Chi. Ngày 25/4, ca phẫu thuật được tiến hành. Sau gần 2 giờ, phẫu thuật đã thành công, trong quá trình gây mê phẫu thuật tình trạng sức khỏe cháu Bùi Hồng Ân rất tốt.

Kết thúc cuộc mổ bệnh nhi được chuyển về phòng Hồi sức sau mổ trực thuộc khoa Gây mê Hồi sức A để theo dõi tiếp. Tại phòng hồi sức cháu được dùng thuốc kháng sinh, dịch chuyền và thở máy hoàn toàn.

Sau 1 ngày thở máy, cháu được cai máy thở và tỉnh táo hoàn toàn, các xét nghiệm cận lâm sàng đều tốt. Ngày 27/4, tình trạng sức khỏe cháu rất tốt và được chuyển ra khỏi phòng hồi sức.

TS.Nguyễn Viết Quang, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức A, người gây mê chính đồng thời là người trực tiếp hồi sức cho cháu Ân cho biết, phẫu thuật hạ bóng trực tràng là một phẫu thuật lớn, đối với các bệnh nhi không có bệnh lý kèm theo vấn đề gây mê trẻ con ở tư thế nằm sấp đã khó rồi, vì tư thế này rất dễ có tai biến về hô hấp, tuần hoàn trong khi mổ.

Còn ở cháu Bùi Hồng Ân bị bệnh lý tim bẩm sinh rất nặng, nguy cơ ngưng tim trong mổ rất cao. Do vậy người gây mê hồi sức phải hiểu rất kỹ về sinh lý, sinh lý bệnh của tình trạng tim mạch bệnh nhân để có kế hoạch dùng thuốc mê hợp lý, nhằm giúp cho cuộc phẫu thuật thành công an toàn.

TS.Quang còn cho biết thêm: “Việc gây mê tại phòng mổ đã khó rồi, nhưng vấn đề hồi sức sau mổ cũng chẳng dễ chút nào. Bệnh nhi đang thở máy, chỉ cần một sai sót nhỏ như ống nội khí quản bị tắt do đàm dãi, hoặc bệnh nhân và máy thở không tương thích thì dễ đưa đến tình trạng thiếu ôxy và rất dễ tử vong”.

Có thể nói đây là một trường hợp rất khó, đặc biệt về phương diện Gây mê Hồi sức trẻ em. 

Theo Đại Dương

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.