Đắk Lắk: Cách ly, tiêm vắc xin cho dân tại ổ dịch bạch hầu đầu tiên

Người dân Đắk Lắk đổ xô tiêm vắc xin phòng bạch hầu
Người dân Đắk Lắk đổ xô tiêm vắc xin phòng bạch hầu
TPO - Ngay khi xuất hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với bạch hầu, ngành y tế Đắk Lắk tổ chức khoanh vùng cách ly ổ dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân. Chính quyền huyện lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch bạch hầu.

Sáng 8/7, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, vừa có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lắk khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống bệnh bạch hầu. Ngoài ra, ngành y tế cũng lập đoàn xuống trực tiếp xuống ổ dịch triển khai chống dịch.

Theo đó, ngành y tế tổ chức khoanh vùng cách ly buôn Diêo, xã Bông Krang (nơi có trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu ngày 7/7); tiến hành giám sát, sử dụng kháng sinh dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính; phun hóa chất khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân và những hộ dân xung quanh.

 Sở Y tế yêu cầu địa phương khẩn trương tiêm vắc xin Td cho đối tượng từ 7 tuổi đến dưới 52 tuổi tại buôn Diêo; tiêm vắc xin TD cho đối tượng 7 tuổi tại trường học và cộng đồng trên toàn huyện trong tháng 7 và tháng 8/2020; ra soát, triển khai ngay công tác tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin  DPT-VGB-Hib (SII) trên địa bàn, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, thị trấn; đặc biệt tại các thôn buôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp; Báo cáo UBND huyện diễn biến dịch bệnh để chính quyền kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng chống...

Đắk Lắk: Cách ly, tiêm vắc xin cho dân tại ổ dịch bạch hầu đầu tiên ảnh 1

Việc tiêm phòng vắc xin giúp người dân nâng cao kháng thể phòng bệnh

UBND huyện Lắk cũng thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bạch hầu gồm 32 thành viên do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ điều hành, phối hợp các phòng ban liên quan thực hiện các giải pháp kịp thời xử lý ổ dịch bạch hầu, tránh lây lan ra cộng đồng.

Trước đó, ngày 7/7, Đắk Lắk ghi nhận 1 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Trường hợp này là  bà H’B.M (SN 1968, trú buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Bà M khởi phát bệnh vào ngày 4/7 với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, nuốt khó nghi bị bạch hầu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành điều tra thông tin và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Corynebacterium Dephtheriae (tức dương tính với bệnh bạch hầu).

Cơ quan chức năng xác định, trước và trong thời gian mắc bệnh, bà M không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Khu vực xung quanh nhà của bệnh nhân không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tương tự.

6 tháng, hơn 2.400 người dân Đắk Lắk phải tiêm phòng dại

Sáng 8/7, nguồn tin từ Sở Y tế Đắk Lắk cho biết trên địa bàn vừa có thêm 1 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là anh T.V.T, sinh năm 1973, ở buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Ngày 30/6, anh T. xuất hiện các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở, sợ nước, sợ gió, ăn uống khó, nuốt nghẹn nên đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Qua thăm khám, bác sĩ tạm đoán  anh bị lên cơn vì bệnh dại và được điều trị. Sau đó các triệu chứng bệnh tăng nặng, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà và đã tử vong. Qua điều tra của ngành y tế, khoảng tháng 2/2020, bệnh nhân bị chó chạy rông trong buôn cắn vào chân, nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có đến 2.407 người phải tiêm vắc xin sau khi bị chó nghi dại cắn và 6 trường hợp tử vong. Bệnh dại diễn biến phức tạp do việc quản lý đàn chó của người dân chưa chặt, nhiều con thả rông, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó còn thấp; nhiều người bị chó cắn còn không chịu đi tiêm phòng...

MỚI - NÓNG