Đắk Lắk có 3 ca bạch hầu nặng, nguy cơ tử vong cao

TPO - Chiều 15/8, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 10 bệnh nhân mắc bạch hầu, trong đó có 3 bệnh nhân nặng.

Từ đầu mùa dịch bạch hầu đến nay, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân từ Đắk Nông và Đắk Lắk. Ngoài số bệnh nhân đã khỏi, xuất viện, bệnh viện đang điều trị cho 10 ca bệnh, trong đó 3 ca nặng gồm 2 ca bạch hầu ác tính, 1 ca bạch hầu nặng biến chứng viêm cơ tim, phải dùng đến huyết thanh kháng bạch hầu SAD.

Bác sĩ Minh thông tin thêm, 1 ca bạch hầu biến chứng viêm cơ tiêm đã điều trị gần 30 ngày nhưng chưa khỏi. Sau này lành hẳn, bệnh nhân vẫn mang di chứng, phải tái khám định kỳ. Một ca bạch hầu ác tính điều trị hơn 1 tuần nay mới tạm ổn, bác sĩ phải dùng đến huyết thanh kháng bạch hầu SAD; ca bạch hầu ác tính còn lại mới nhập viện hôm qua (14/8) do được phát hiện sớm chuyển lên bệnh viện vùng nên được điều trị kịp thời.

 Theo chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao không kém COVID-19. Bằng chứng từ đầu mùa dịch bạch hầu, Tây Nguyên có 3 bệnh nhân tử vong gồm 2 ca (Đắk Nông) và 1 ca (Gia Lai). Bệnh bạch hầu chỉ hơn COVID-19 là có vắc xin phòng ngừa và huyết thanh kháng bạch hầu SAD. Tuy nhiên nếu phát hiện chậm, bệnh nhân mắc bạch hầu ác tính, viêm cơ tim... có nguy cơ tử vong rất cao trên 80%. Hiện Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đang liên hệ với Bệnh viện Bạch Mai để xin thêm huyết thanh kháng bạch hầu SAD phục vụ điều trị các ca bệnh nặng.

 Đến chiều 15/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Krông Bông, nâng tổng số người mắc lên 34 người.

 Trước đó, ngày 7/7, Đắk Lắk ghi nhận ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu đầu tiên tại huyện Lắk, sau đó phát hiện thêm nhiều trường hợp ở huyện M’đrắk, Krông Bông, Cư Kuin, Cư M’gar. Huyện Krông Bông có số ca mắc bạch hầu nhiều nhất với 15 ca và các ca bệnh nặng cũng ở huyện vùng sâu này. Ngay khi xuất hiện ổ dịch, Sở Y tế Đắk Lắk chỉ đạo, phối hợp y tế địa phương, cơ quan chức năng khoanh vùng, phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực có người mắc bệnh; điều tra dịch tễ, truy vết những trường hợp tiếp xúc gần, cho người dân xung quanh uống thuốc kháng sinh...

Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho biết, gần 1 tháng qua, đơn vị tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân trong vùng; Ưu tiên tiêm phòng cho đồng bào Mông tại những nơi thuộc vùng lõm tiêm chủng như xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao... Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành y tế buộc phải lên phương án tiêm chủng an toàn trong lúc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh; Thời gian tiêm chủng dự kiến kéo dài đến hết tháng 9.

Ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Lắk cho biết, dịch bạch hầu chỉ được kiểm soát, dập tắt khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân. Trên địa bàn tỉnh đã có chiến dịch tiêm vắc xin cho toàn dân tuy nhiên hiện nay chưa có đủ nguồn vắc xin nên ưu tiên các khu vực thuộc vùng có ổ dịch, vùng lõm tiêm chủng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.