'Dân văn phòng' cẩn trọng với hội chứng ống cổ tay

'Dân văn phòng' cẩn trọng với hội chứng ống cổ tay
Hội chứng đường hầm cổ tay (còn gọi là hội chứng ống cổ tay) Carpal tunnel syndrome, rất thường gặp ở những người làm việc văn phòng.

'Dân văn phòng' cẩn trọng với hội chứng ống cổ tay

Hội chứng đường hầm cổ tay (còn gọi là hội chứng ống cổ tay) Carpal tunnel syndrome, rất thường gặp ở những người làm việc văn phòng.

Nếu không điều trị, hội chứng ống cổ tay có thể khiến bàn tay tổn thương không thể phục hồi
Nếu không điều trị, hội chứng ống cổ tay có thể khiến bàn tay tổn thương không thể phục hồi. Ảnh: minh họa - Internet

Theo giảng viên bộ môn Vật lý trị liệu ĐH Y Dược TP.HCM Lê Khánh Điền, khi bị các lực nén ép kéo dài, các gân cơ và dây chằng có thể bị sưng phồng làm hẹp đường ống vốn đã nhỏ ở cổ tay (đường hầm cổ tay), khiến cho dây thần kinh giữa trong số các dây thần kinh ngoại biên điều khiển bàn tay bị chèn ép, tạo nên hội chứng đường hầm cổ tay.

Lực nén ép có thể do những cử động mang tính lặp đi lặp lại, tư thế sai hoặc khi làm việc, tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định nào đó trong một thời gian dài. Ngoài ra, một số bệnh lý (viêm khớp, tiểu đường, gút, gãy xương lệch trục...) và những yếu tố như căng thẳng, thay đổi nội tiết ở phụ nữ có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.

Một số triệu chứng thường gặp: tê rần ở các ngón tay, đau ngón cái, nóng rát từ cổ tay đến ngón tay, thay đổi cảm giác nhiệt hoặc xúc giác ở bàn tay, bàn tay trở nên vụng về, sức cầm nắm giảm, rối loạn tiết mồ hôi...

Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiến triển thành cơn đau cấp tính hoặc đau kéo dài, đôi khi nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể làm được những việc đơn giản trong gia đình vì chức năng bàn tay đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi. Khi tiến triển nặng sẽ phải phẫu thuật.

Hội chứng đường hầm cổ tay có thể gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt thường gặp ở nhóm nghề nghiệp mang tính chuyên biệt cao và chỉ sử dụng một số cơ bắp nhỏ ở bàn tay liên tục kéo dài như công nhân làm việc trong các dây chuyền công nghiệp, nhân viên văn phòng.

Nếu công việc văn phòng buộc phải ngồi hàng giờ, dễ dẫn đến tư thế ngồi sai như ngả người ra sau hoặc trượt dài trên ghế. Màn hình máy tính có thể đặt quá cao làm cho cổ và vai căng và đau; bàn phím đặt ở vị trí không đúng khiến cổ tay bị sức ép liên tục...

Giảng viên Lê Khánh Điền cho biết, để tránh nguy cơ dẫn đến hội chứng đường hầm cổ tay, khi sử dụng bàn phím nên di chuyển các ngón tay trong khi cổ tay vẫn giữ thẳng ở thế trung tính. Nên ngồi làm việc đúng tư thế: ngồi thẳng với cột sống tựa vào lưng ghế, hai vai thả lỏng, hai cánh tay sát thân mình, cổ tay thẳng và hai bàn chân đặt trên sàn nhà. Màn hình vi tính và tài liệu đánh máy để ngang tầm mắt, giúp không gập cổ khi làm việc.

Việc duy trì tư thế đúng, thường xuyên thay đổi tư thế, dành thời gian ngắn giữa giờ làm việc để nghỉ ngơi thư giãn là rất quan trọng, giúp duy trì lưu thông tuần hoàn máu, tránh cơ, dây chằng bị căng giãn quá mức, đồng thời tránh chèn ép dây thần kinh lên vùng cẳng tay và bàn tay.

Theo Thanh niên/Gia đình & Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG