Đau đớn, miệng 'hôi như cú' vì gắn răng khểnh giả để ... làm đẹp

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Gắn răng khểnh giả dễ gây viêm lợi, viêm quanh răng do các thức ăn mảng bám tích tụ lại. Ngoài ra còn bị hôi miệng, ê buốt răng do men răng và ngà răng bị phá huỷ, thậm chí biến chứng gây phá huỷ tổ chức cứng của răng.

Ít lâu sau khi trồng răng khểnh để giữ người yêu, chị X.Đ phải nghỉ làm cả tháng do viêm lợi và sâu răng. Việc ăn uống cũng khó khăn hơn vì phải làm sao để thức ăn đừng bị dính vào kẽ răng khểnh. Tệ hơn là anh người yêu đã chạy dài vì hơi thở của chị ngày càng trở nên khó chịu.

T. Trang (Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận từng có thời gian chạy theo mốt và đi đắp răng khểnh giả. Do hiểu bản tính chóng chán chóng thèm của bản thân nên Trang không lựa chọn phương pháp trồng răng vĩnh viễn mà chỉ chọn đắp răng compostie để khi nào hết mốt thì tháo ra. Tuy nhiên, Trang không thể ngờ rằng khi chiếc răng kia mới sử dụng được hơn một tháng, trào lưu này vẫn chưa kịp “hạ nhiệt” thì răng khểnh giả đã xỉn vàng, vùng lợi xung quanh bị sưng đau, rất khó chịu khi đánh răng hoặc ăn uống. Không chịu được những sự bất tiện đó nên Trang đã phải đến nha sỹ để thăm khám và nhổ đi chiếc răng duyên “thừa thãi” ấy.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Vũ Trung – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, việc tự ý gắn răng giả để tạo răng khểnh như vậy gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, rất dễ gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do các thức ăn mảng bám tích tụ lại. Từ đó gây ra hôi miệng khó chịu, sâu răng hoặc nặng nề hơn có thể gặp phải biến chứng gây phá huỷ tổ chức cứng của răng.

"Đó là chưa kể việc các loại răng rao bán trên mạng nếu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm ra sao nếu sử dụng trong thời gian dài vô tình đưa các độc chất vào cơ thể, gây ra các bệnh răng miệng… Bằng mắt thường chúng ta không thể kiểm chứng được loại răng giả này và keo gắn của nó có thực sự an toàn hay không?"- Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Vũ Trung nói.

Đau đớn, miệng 'hôi như cú' vì gắn răng khểnh giả để ... làm đẹp ảnh 1

Quan niệm răng khểnh là răng duyên đã lỗi thời và không khoa học. Về mặt thẩm mỹ, răng khểnh làm mất đi vẻ đẹp chuẩn của hàm răng. Về sức khỏe, nó làm rối loạn khớp cắn và các bệnh nhiễm trùng răng miệng. Ảnh minh hoạ: Internet

Bác sĩ Trần Ngọc Đỉnh, Phó giám đốc Trung tâm Răng hàm mặt TP HCM, cho biết một hàm răng được coi là khỏe khi các răng mọc đúng trên cung hàm. Mỗi loại răng đều có một chức năng riêng; răng cửa dùng để cắn thức ăn và răng nanh để xé thức ăn. Những chiếc răng cửa mọc lệch và răng nanh khểnh sẽ không đảm bảo được các chức năng này. Vì vậy, răng mọc lệch là răng bị bệnh lý. Ở các nước tiên tiến, người ta phải điều chỉnh một chiếc răng mọc lệch chỗ ngay khi nó được phát hiện.

Cũng theo bác sĩ Đỉnh, quan niệm răng khểnh là răng duyên đã lỗi thời và không khoa học. Về mặt thẩm mỹ, răng khểnh làm mất đi vẻ đẹp chuẩn của hàm răng. Về sức khỏe, nó làm rối loạn khớp cắn và các bệnh nhiễm trùng răng miệng.

Để trồng một cái răng khểnh, người ta phải mài 2 chiếc răng hai bên cho nhỏ đi, tạo ra một kẽ hở cho răng khểnh chen vào. Do men răng và ngà răng bị phá hủy (không thể phục hồi), bề mặt răng không còn nguyên vẹn, bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy ê buốt. Những chiếc răng không còn lớp bảo vệ sẽ là mục tiêu tấn công của sâu răng.

Giáo sư Lâm Ngọc Ấn, Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt TP HCM, cho biết, một chiếc răng khểnh giả sẽ khó có điểm tựa chắc chắn trên hàm răng. Khi gắn thêm một chiếc răng khểnh, sức nhai sẽ giảm. Ngoài ra, nếu chiếc răng này không được ép kỹ vào lợi, chủ nhân của nó sẽ bị viêm lợi và dây chằng.

Theo các nha sĩ, không nên dại dột đi trồng thêm răng khểnh để phải lâm vào cảnh tiền mất tật mang.

MỚI - NÓNG