Dầu gió: Khổ vì lạm dụng!

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Cứ mỗi khi nhức đầu, nghẹt mũi, muỗi đốt, đau bụng, đầy hơi… là bạn thường nghĩ ngay đến dầu gió. Nhưng, bạn đừng quên, dầu gió cũng là thuốc và nó cũng có chống chỉ định.

Rất dễ dàng để tìm mua một lọ dầu gió bởi đây là sản phẩm không cần kê đơn. Nhiều người (nhất là người già) lúc nào cũng mang theo lọ dầu gió bên mình đề phòng khi trái gió trở trời, lúc bỗng dưng hoa mày chóng mặt có thể lấy ngay “vị cứu tinh” này ra để hít, thoa, xông hơi, pha nước tắm, uống… Chính quan niệm và thói quen này có thể đưa đến một số phản ứng bất lợi cho sức khỏe.

Thông thường dầu gió cho tác dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau và làm cho tinh thần sảng khoái. Đó là nhờ những thành phần có trong nó như: tinh dầu và các chất chiết xuất từ tinh dầu, như tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu, thông, menthol, methyl salicylat, camphor, cineol… Nhưng, khi bạn quá lạm dụng, hoặc dùng sai mục đích thì hậu quả mà bạn phải gánh chịu lại đến từ chính những thành phần cơ bản này của dầu gió.

Methyl salicylat gây xung huyết da

Dung dịch methyl salicylat được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid. Các nhà sản xuất thường kết hợp methyl salicylat với các tinh dầu nhằm giúp vùng da được xoa dầu trở nên nóng nhanh, giãn nở các mạch máu ngoại biên, tăng tuần hoàn máu, giúp thuốc thẩm thấu vào mô dễ dàng, giảm nhanh cơn đau và cứng cơ.

Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ được dùng làm thuốc bôi ngoài da, không được uống và bôi lên vết thương hở. Đó là do tác dụng phụ của methyl salicylat là gây xung huyết da, nếu bạn hít thường xuyên có thể gây rách màng nhầy, mũi, họng (với triệu chứng là khô, rát mũi họng) làm tổn thương tới hệ hô hấp.

Tinh dầu bạc hà có thể làm trẻ nhỏ ngưng thở

Tinh dầu bạc hà chứa nhiều menthol, có vị cay, tính mát, có tác dụng hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau, giảm ho, sát trùng. Do đặc tính bốc hơi nhanh, nó gây cảm giác mát và tê tại chỗ, rất hiệu quả với các trường hợp đau dây thần kinh. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà pha loãng với nước ấm uống khi nhức đầu, sổ mũi, sốt, đau họng, đau bụng, tiêu chảy rất hiệu quả.

Nhưng cũng bởi những đặc tính này mà khi bôi dầu có thành phần bạc hà vào mũi hoặc cổ họng trẻ nhỏ có thể làm ngừng thở và ngưng tim. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng chế phẩm này cho trẻ nhỏ tuổi, nhất là trẻ sơ sinh.

Không chỉ thế, tinh dầu bạc hà và menthol còn làm tăng bài tiết mồ hôi, khiến thân nhiệt hạ thấp, nên không dùng với người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, huyết áp cao, trẻ dưới một tuổi…

Tinh dầu tràm - sự thay thế an toàn

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho biết: tinh dầu tràm (có trong dầu gió) có tác dụng sát khuẩn nhẹ, long đờm, kháng nấm, hương thơm...

Hơn nữa, tinh dầu tràm khá an toàn để phòng ngừa cảm mạo cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ nhỏ (kể cả sơ sinh). Chính vì thế, trong trường hợp không sử dụng được dầu gió chứa tinh dầu bạc hà thì loại chứa tinh dầu tràm là sự thay thế đáng tin cậy cho bạn.

Lưu ý khi dùng dầu gió:

- Không dùng dầu gió hơn 4 lần/ ngày. Cũng không nên dùng thường xuyên mà ngưng ngay khi cơn đau đã chấm dứt.

- Trước khi thoa dầu cần rửa sạch, lau khô vùng da bị đau, bôi hoặc xoa bóp một lượng vừa đủ. Không bôi quá nhiều dầu và trên diện rộng.

- Chỉ xông hơi bằng dầu gió khi cơ thể nhiễm lạnh.

- Khi sử dụng dầu gió với phụ nữ đang mang thai và trẻ dưới hai tuổi, cần phải có ý kiến tư vấn của bác sĩ.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.