Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm Ebola

Ảnh minh họa: CNN.com
Ảnh minh họa: CNN.com
TPO - Ebola là một trong những virus nguy hiểm nhất thế giới. Đây lại không phải là một căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Cùng tìm hiểu làm sao để nhận biết những triệu chứng mắc bệnh và cách phòng ngừa mắc căn bệnh này:

Dịch virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của một loại bệnh trên người có tỷ lệ tử vong cao đến 90%. Virus gây bệnh này có hàng loạt biến thể. Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào năm 1976. Dịch Ebola thường xuất hiện từ những ngôi làng hẻo lánh ở Trung và Tây Phi, gần rừng mưa nhiệt đới.

Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào?

 Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm; lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người sau đó lan ra trong cộng đồng theo hình thức từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết loài dơi quạ ăn trái (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của Ebola. Ngoài ra khỉ đột, vượn, lợn... cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi.

Người có nguy cơ cao nhiễm virus này
Trong dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, các nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus gồm:
- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
- Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola.
- Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng.
- Cán bộ y tế.

Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola
- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt cao, sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.
- Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan.
- Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài, tổn thương hệ thần kinh.
- Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.
- Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
- Hiện tại chưa có vắc-xin ngừa hay chữa bệnh
- Các biện pháp hỗ trợ như bù nước cho bệnh nhân tiêu chảy và nôn mửa có thể giúp phục hồi
- Loài dơi ăn quả - một món ăn đặc sản ở các nước Tây Phi - bị coi là vật chủ truyền bệnh cho con người.

Khi nào nên đi khám
Nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.

Cách phòng tránh mắc bệnh:

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, sau đó lau khô bằng khăn bông là một cách hiệu quả để loại bỏ virus. Hơn nữa, khi vùng bạn ở có dịch, việc bắt tay cũng nên hạn chế bởi Ebola dễ dàng lây lan khi ta tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người nhiễm bệnh. Người nhiễm Ebola sẽ ủ bệnh trong một thời gian trước khi xuất hiện các triệu chứng. Vì vậy, hạn chế tiếp xúc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan ngay cả khi bệnh chưa phát ra ngoài.

Không tiếp xúc với người nhiễm bệnh
Điều này nghe có vẻ tàn nhẫn, đặc biệt là khi chứng kiến người thân của mình nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng virus Ebola lây truyền qua các dịch cơ thể như nước tiểu, phân, nước mắt, dịch nhầy trong mũi, nước bọt, tinh trùng và dịch tiết âm đạo... Hơn nữa, bạn cũng không nên tiếp xúc với quần áo hay chăn ga gối của người bệnh. Những đồ vật này nên được tiêu hủy để tránh lan truyền virus.

Tránh xa các thi thể người chết vì Ebola
Ngay cả khi những người này đã chết, virus vẫn còn trong dịch cơ thể của họ và bạn hoàn toàn có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với các thi thể này. Bạn cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng để dọn dẹp các thi thể và làm vệ sinh khu vực này. 

Không ăn thịt thú rừng
Không săn bắt hay ăn các loại thịt thú rừng như khỉ, dơi hay vượn. Các nhà khoa học tin rằng những loài vật này là nguyên nhân lây truyền bệnh Ebola cho con người. Ngay cả khi những món ăn này là đặc sản, thịt hoặc máu của chúng có thể đã bị nhiễm bệnh. Hãy cẩn thận trong việc chế biến món ăn và chắc chắn rằng chúng đã được nấu chín hoàn toàn.

Không nên hoảng loạn
Có một số trường hợp các bác sĩ bị tấn công và người bệnh bị bỏ rơi do nghi nhiễm Ebola. Nhiều người tới gặp các thầy lang thay vì tới gặp các bác sĩ có chuyên môn để chữa bệnh, điều này càng khiến căn bệnh lây lan nhanh hơn do chữa trị không đúng cách. Tốt hơn hết, bạn nên giữ bình tĩnh và tin tưởng vào bác sĩ.

Phòng ngừa là cách tốt nhất để ngăn chặn Ebola, vì vậy bạn không nên hoảng sợ và đồn thổi về căn bệnh. Trên thực tế, căn bệnh này vẫn có thể được chữa khỏi.

Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.

Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên.

(Tổng hợp)
MỚI - NÓNG