Cúm gia cầm ở Tây Nguyên:

Đẩy mạnh tiêm chủng, tiêu hủy

Chị Võ Thị Đẹp đang phun thuốc khử trùng chuồng trại. Ảnh: N.T
Chị Võ Thị Đẹp đang phun thuốc khử trùng chuồng trại. Ảnh: N.T
TP - Tây Nguyên hiện có 2 tỉnh (Đắk Lắk và Kon Tum) xuất hiện ổ dịch với tổng cộng 11.000 gia cầm mắc bệnh và nghi nhiễm bị tiêu hủy. Các địa phương đang tích cực tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm.

Ôdịch cúm gia cầm đầu tiên được phát hiện ở Đắk Lắk là tại khu chăn nuôi của ông P.C.Phước (buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột). Sau đó, Đắk Lắk phát hiện 2 ổ dịch tại huyện Krông Pắk và Buôn Đôn, tiêu hủy gần 3.000 gia cầm nhiễm bệnh.

Tại Kon Tum, từ 1 ổ dịch phát hiện ngày 26/1 đã lan ra 4 ổ dịch, khiến cả chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân phải tiêu hủy hơn 7.300 gia cầm nhiễm bệnh. Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã xuất cấp 80.000 liều vắc-xin cho 5 huyện, thành phố, để tiêm bao vây ổ dịch và tiêm ở những vùng trọng điểm. Chi cục này cũng xuất cấp một vạn lít hóa chất Ben-cô-xít để các địa phương tiêu độc, khử trùng.

Chị Võ Thị Đẹp, chủ trang trại nuôi hơn 1.000 con gà ở thôn 10, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, đưa phóng viên ra khu chuồng trại của gia đình. Chị vừa xịt thuốc vừa kể: “Tôi đã lấy mẫu xét nghiệm với kết quả âm tính, nhưng vẫn được ngành chức năng hướng dẫn tiêm vắc-xin, phun thuốc khử độc và thường xuyên vệ sinh khu chuồng này”.

Cùng với phòng chống dịch lây lan trong đàn gia cầm, Đắk Lắk đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch cúm H5N1 lây sang người, như lấy mẫu những người chăn nuôi, tiếp xúc với gia cầm bệnh để xét nghiệm, đồng thời cách ly, theo dõi. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Tất cả các trường hợp liên quan chúng tôi đều lấy các mẫu đi làm xét nghiệm. Cùng với cúm A/H5N1 thì còn có cúm A/H7N9 cũng phải đề phòng. Nhất là việc buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc sang Việt Nam, từ đó mà chở vào các tỉnh Tây Nguyên là rất phức tạp, dễ lây lan, nên càng cần đề phòng hơn”.

Theo ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum, việc xử lý các điểm dịch, như tiêu hủy và làm sạch lại môi trường đã được địa phương triển khai quyết liệt. “Chúng tôi đang tập trung vào việc tiêm phòng cho những đàn nguy cơ cũng như xung quanh khu vực ổ dịch để khống chế. Đồng thời triển khai tích cực “Tháng khử trùng tiêu độc” theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, tăng cường kiểm tra giám sát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm”, ông Hiếu nói.

Các tỉnh khác ở Tây Nguyên như Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng dù chưa xuất hiện dịch cúm H5N1, nhưng ngành chức năng đã tăng cường tiêm phòng, kiểm tra, giám sát, đồng thời tạm dừng việc nhập gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn, kể cả đã có giấy kiểm dịch.

MỚI - NÓNG