Đề xuất giảm giá một số dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả

Hiện nhiều giá dịch vụ y tế kê khai cao hơn chi phí thực tế phát sinh. Ảnh: Như Ý.
Hiện nhiều giá dịch vụ y tế kê khai cao hơn chi phí thực tế phát sinh. Ảnh: Như Ý.
TP - Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang nghiên cứu để điểu chỉnh giá một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, có khoảng 50 loại dịch vụ y tế được điều chỉnh giá trong đợt này.

Giá vượt chi phí thực tế

Như Tiền Phong đã phản ánh trong loạt bài “Muôn kiểu trục lợi Quỹ Bảo hiểm Y tế” (đăng giữa tháng 1/2018), do giá một số loại dịch vụ y tế cao hơn chi phí thực tế, đã tạo kẽ hở để các bệnh viện tìm cách trục lợi Quỹ BHYT. Điển hình như chi phí giường bệnh, từ năm 2016 được điều chỉnh tăng mạnh theo Thông tư liên tịch 37/2015 của Liên Bộ Y tế - Tài chính. Khi tiền giường bệnh tăng, các bệnh viện từ trung ương tới địa phương đã tìm đủ cách kê thêm nhiều giường nhất có thể, dù không dùng hết và không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Cùng đó, do nhiều dịch vụ kỹ thuật được quy định giá cao hơn thực tế cũng thúc đẩy các bệnh viện lạm dụng chỉ định bệnh nhân thực hiện, nhằm trục lợi Quỹ BHYT. Điển hình như dịch vụ nội soi tai – mũi – họng quy định 220.000 đồng/lần, nhưng thực tế đầu tư máy móc chỉ 60-70 triệu đồng/bộ, chỉ cần thu giá 70.000 đồng/lần đã có lời. Do được định giá cao hơn chi phí đầu tư và vận hành, nên có bệnh viện chỉ định cho hầu hết bệnh nhân nhi vào viện thực hiện nội soi tai - mũi - họng bất kể bệnh gì. Khi bị cơ quan quản lý Quỹ BHYT từ chối thanh toán, các bệnh viện chuyển sang thực hiện miễn phí cho hầu hết bệnh nhân, chỉ kê khai thanh toán BHYT với một số trường hợp vẫn đạt đảm bảo hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, hiện còn một số dịch vụ kỹ thuật được định giá chưa sát thực tế cũng cần điều chỉnh giá, đặc biệt trong lĩnh vực y học cổ truyền, phục hồi chức năng...

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban - phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế thuộc diện thanh toán BHYT có một số bất cập. Theo đó, một số dịch vụ y tế được định giá quá cao so với thực tế, điển hình là tiền giường bệnh. Hiện tiền giường bệnh được xây dựng trên cơ sở 1 giường có từ 1-1,3 nhân viên y tế, nhưng thực tế nhiều bệnh viện chỉ đạt 1 giường có từ 0,4-0,7 nhân viên y tế; một số loại trang bị tính vào chi phí tiền giường nhưng giờ không còn dùng nữa, hoặc không được trang bị như tiền màn, tiền nước, máy hút ẩm...

Ông Phúc dẫn chứng thêm về tiền dịch vụ nội soi tai - mũi - họng, trước đây xây dựng trên cơ sở đầu tư một máy nội soi vài trăm triệu đồng, nhưng thực tế các bệnh viện hầu hết dùng máy chỉ vài chục triệu đồng. Hay tiền lương nhân viên y tế tính vào giá dịch vụ, trước đây xây dựng trên cơ sở lương chỉ 1,15 triệu đồng/tháng, nhưng tới đây lương đã tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng... “Chúng tôi mong muốn điều chỉnh khoảng 50 dịch vụ y tế. Sẽ cố gắng để điều chỉnh giá dịch vụ y tế về mức sát nhất, trên cơ sở khảo sát thực tế tại các bệnh viện”, ông Phúc nói.

Còn lại gì cho bệnh nhân?

Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán Đa tuyến Khu vực phía Bắc (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng, hiện chi phí tiền ngày giường đang quá cao. Như chi phí cho tiền giường thấp nhất gần 180.000 đồng/ngày điều trị, cao nhất là 700.000 đồng/ngày điều trị. Như vậy, nếu tính chi phí bình quân tiền giường là 300.000 đồng/ngày, mỗi phòng trong bệnh viện có 4-6 giường, số tiền cho 1 phòng đã bằng phòng khách sạn hạng 2-3 sao.

Chỉ tính riêng chi phí ngày giường điều tri trong Quý I/2018, Quỹ BHYT đã chi ra hơn 3.711 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, một số địa phương có số chi tiền giường tăng mạnh, như Thừa Thiên Huế tăng hơn 46%, Quảng Bình tăng hơn 24%, Sơn La 45 tăng hơn 16%… “Tiền giường hiện quá cao, thực tế có những tỉnh 40 - 60% chi phí khám chưa bệnh dành cho tiền giường. Vậy bệnh nhân được chữa trị gì, tiền thuốc, tiền dịch vụ kỷ thuật còn lại bao nhiêu? Nhìn từ khía cạnh bảo vệ quyền lợi người bệnh, có thể nói tiền giường có vấn đề!”, ông Trung đánh giá.

Ngoài ra, để khai thác hiệu quả hơn Quỹ BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng thông tư đấu thầu thuốc và vật tư y tế tập trung cấp quốc gia. Ông Lê Văn Phúc kỳ vọng, với đấu thầu tập trung sẽ ngăn chặn được tình trạng mỗi địa phương đấu thầu 1 giá như hiện nay, đặc biệt mức chênh lệch giữa các địa phương quá lớn với cùng 1 thiết bị, 1 loại thuốc. Như kim luồn y tế, có tỉnh đấu thầu giá 13.000 đồng/chiếc, nhưng có tỉnh chỉ 5.000 đồng/chiếc...

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính trong 4 tháng đầu năm 2018, các cơ sở y tế cả nước đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh, với chi phí đề nghị thanh toán hơn 26.120 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượt khám chữa bệnh tăng hơn 12%, chi phí tăng hơn 19%. Trong đó, số lượt khám chữa bệnh và chi phí tăng mạnh nhất ở tuyến huyện, sau đó là tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2018, bệnh nhân được thanh toán BHYT cao nhất là bệnh nhân N.M.H (ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh). Bệnh nhân H. điều trị suy gan tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong tháng 3 và đã ra viện, tổng tiền Quỹ BHYT thanh toán gần 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, trong cùng thời gian, có 359 bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh trên 300 triệu đồng/người, 1.231 bệnh nhân được BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh từ 200-300 triệu đồng/người.

MỚI - NÓNG