Dở khóc dở cười chuyện đi lễ đầu năm

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Đi lễ chùa đầu năm cầu an, cầu may mắn cho gia đình trong năm mới là phong tục đẹp của người Việt. Nhưng nhiều người đã biến việc đi lễ thành tâm thành nghi thức nặng nề khiến gia đình rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Người xưa vẫn nói, tháng Giêng là tháng ăn chơi, vì thế, các bà, các mẹ rảnh rỗi thường chọn thời điểm sau Tết để bắt đầu “công cuộc” đi lễ chùa cầu bình an, may mắn cho gia đình. Bà Mai Lan (P. Phú Hữu, Q.9, Tp.HCM) là tín đồ của chùa chiền, hành trình của bà bắt đầu từ mùng 4 Tết cho đến tận tháng 2, tháng 3.

Năm nào cũng vậy, mới đầu, bà đi những chùa lớn trong nội thành, sau là đến các chùa ở các quận ngoại thành, cuối cùng là đến các chùa nổi tiếng ở các tỉnh lân cận. Năm nay, bà còn được mấy bà bạn rủ đi lễ chùa tận ngoài Hà Nội. Bà đang lăn tăn chưa quyết định ngay vì vợ chồng thằng lớn thì ở riêng, cô con út còn đang học đại học, vắng mẹ cả tuần liền không biết ăn uống, sinh hoạt ra sao, chồng bà vẫn đương chức, công việc bận rộn cũng chả có thời gian nhìn ngó nhà cửa.

Khi hỏi ý kiến mọi người trong nhà, lạ thay, ai cũng ủng hộ việc bà ra Hà Nội, cô con gái út còn bảo: “mẹ cứ ra ngoài đó cả tháng cũng được, ngoài đó cũng có nhiều chùa đẹp và thiêng, sẵn tiện mẹ đi du lịch luôn”. Chồng bà cũng rất vui vẻ cho bà đi chơi, mặc dù xưa nay, ông chả thiết tha gì mấy chuyện chùa chiền khấn vái. Tuy còn nhiều lo lắng nhưng ham vui nên bà cũng quyết định lên đường.

Gia đình lục đục vì chăm đi lễ chùa

Bắt đầu chuyến đi, bà Lan dự định chỉ đi khoảng 1 tuần, nhưng khi ra đến Hà Nội, họ hàng của một bà bạn trong nhóm đã nhiệt tình đưa cả nhóm đi hết chùa này đến phủ nọ, đền kia. Sau 1 tuần cả nhóm đã đi được rất nhiều chùa nổi tiếng như Phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, chùa Hương, đền Và ở Hà Nội, đền Bà Chúa Kho, đền Đô, ở Bắc Ninh...

Theo đúng kế hoạch ban đầu, đã đến lúc bà phải bay vào, nhưng vì những người bạn Hà Nội thuyết phục hay quá và ai cũng mang tâm trạng “chả biết bao giờ mới có cơ hội ra Hà Nội lần nữa, nên cố đi kẻo sau này già lại hối hận”. Thế là cả nhóm bà Lan lại xiêu lòng ở lại thêm vài ngày nữa để đi Đền Trần, chùa Keo, Côn Sơn Kiếp Bạc, non thiêng Yên Tử, Đền Củi…

Chuyến đi dài ngày tuy tốn kém nhưng bà Lan nghĩ ăn bao nhiêu mà chẳng hết, chuyện tâm linh, thờ cúng là chăm lo đến cội nguồn, gốc rễ. Năm nay, kiểu gì nhà bà cũng đại cát, đại lợi, bà thành tâm thế cơ mà. Bà liền gọi điện cho chồng và con gái thông báo sẽ ở ngoài này thêm 2 tuần nữa, ngày nào về sẽ gọi để mọi người ra đón, như lần trước, chồng bà nhiệt tình đồng ý.

Nhưng chuyến đi chưa kịp kết thúc thì bà Lan đã nhận được điện thoại của một người bạn nói vừa gặp ông nhà bà vào khách sạn với một em chân dài, trẻ trung. Bà không tin lắm nhưng cũng thấp thỏm không yên. Sang đến hôm sau, bà lại nhận được điện của cô giáo chủ nhiệm lớp đại học của cô con gái út nói bà lên trường họp phụ huynh gấp vì con bà đã nghỉ học hơn tuần nay. Bà gọi điện mà thấy ông tắt máy, gọi cho cô thư ký thấy nói ông đang đi công tác ở Bến Tre. Bà Lan hoảng hồn đành bỏ dở chuyến đi, bay về ngay lập tức.

Về đến nhà, thấy nhà cửa lộn xộn, lanh tanh bành bà Lan ngán ngẩm hết cả người. Đến trường của con gái, nghe cô giáo chủ nhiệm kể lể, trách móc vì cho rằng vợ chồng bà không quan tâm đến con cái. Chưa hết chán nản, bà Lan thẫn thờ ra về, bỗng nhiên, bà nhìn thấy bóng ai giống như chồng bà vừa bước vào khách sạn bên kia đường. Bà Lan tức quá, phi theo, chồng bà nhìn thấy vợ, sợ quá, cứ giữ chặt lấy bà, cô gái trẻ kia nhanh chóng lẩn mất.

Bà Lan khóc tức tưởi, giờ thì bà đã hiểu, vì sao mà cả chồng và con gái đồng ý cho bà đi chùa ngoài Bắc, hóa ra họ đều đã lên kế hoạch ăn chơi, sung sướng khi không có bà… Ôi thôi, chùa chiền, lễ bái, cầu nọ, xin kia có là gì, có được gì, giá mà bà quan tâm đến chồng, con nhiều hơn thay vì mải mê lễ chùa, biết đâu mọi chuyện đã khác…

Sức khỏe, tiền bạc… hao tán

Nhà bà Phương (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thường có thói quen đi chùa đầu năm. Nhưng sang đến năm nay, sức khỏe bà Phương đã yếu hơn, bà thường xuyên bị đau lưng, đau chân, các khớp xương thường hành hạ bà đến mất ăn, mất ngủ. Ấy vậy mà sau Tết, bà vẫn nhất quyết phải đi lên tận chùa Đồng, Yên Tử. Cả nhà ai cũng can bà nhưng lý do của bà rất thuyết phục, bà đã đi cầu được 2 năm rồi, chẳng nhẽ chỉ còn 1 năm nữa lại không đi. Cả nhà nghe bà nói vậy cũng không nỡ “cấm đoán”, nhưng nhất định phải có người đi cùng bà, con cái thì phải đi làm và cũng chẳng có hứng thú, cuối cùng chốt lại, hai ông bà sẽ đi cùng nhau.

Chặng đường lên đến chùa Đồng ở Yên Tử ai đi rồi sẽ biết, dù là người khỏe mạnh cũng thấy toát mồ hôi giữa trời lạnh, huống hồ ông bà đã lớn tuổi, bà Phương lại thường xuyên đau nhức. Ông Thành, chồng bà, rất lo lắng cho vợ, đã chuẩn bị cả hộp miếng dán salonpas, rồi dầu cao để sẵn sàng đối phó nếu hai ông bà đau chân.

Chẳng biết do tuổi cao, sức yếu hay xui xẻo mà chuyến đi cầu an ở đất Phật của bà Phương, ông Thành gặp hết chuyện này đến chuyện kia. Cả đoàn đi chùa chẳng ai bị làm sao, chỉ có ông Thành là bị Tào Tháo đuổi suốt cả buổi tối, khi đoàn nghỉ ở chùa Hoa Hiên. Nhà vệ sinh công cộng nào có được như nhà mình, ai vào rồi cũng muốn nhanh nhanh, chóng chóng phi ra, thế mà ông Thành cứ vào vào, ra ra đến mấy lần, mỗi lần cả 10 phút. Mọi người động viên, chắc là do đồ ăn ở nhà hàng không sạch, hoặc do ông không quen đồ ăn này.

Cả đêm hôm ấy mọi người đều ngủ ngon lành, chỉ có ông là ra vào nhà vệ sinh, còn bà thì nhấp nhổm không yên vì thương chồng. Sáng hôm sau, sợ ông Thành không theo kịp mọi người, bà Phương đề nghị ở lại nhà trọ để nghỉ ngơi thêm nhưng ông không chịu, vẫn cố đi theo cả đoàn.

Mọi chuyện tưởng đã ổn, ai dè, vì đường lên đỉnh chùa Đồng quá đông, lại có mưa xuân nên đường trơn quá, gần leo lên đến đỉnh thì bà Phương bị ngã, gẫy chân. Thế là mọi người nháo nhác hết cả lên, gọi mãi mới có mấy thanh niên trẻ khỏe cáng được bà đến chỗ cáp treo.

Vì cú ngã quá đau nên bà Phương chả nhớ được gì, cái túi của bà bay đi đâu hay ai lấy mất bà cũng chả biết, thế là bao nhiêu tiền bạc, giấy tờ của bà cũng không cánh mà bay. May mà ông Thành vẫn còn một ít tiền trong ví, đủ tiền trả tiền cáp treo và gọi xe đưa bà đến viện.

Nhận được điện thoại của bố mẹ, cậu con trai lớn nhà bà Phương tức tốc xuống Quảng Ninh nộp tiền viện phí cho mẹ và tiếp tế đồ ăn cho bố. Đúng là chẳng cái dại nào giống cái dại nào, chuyến đi cầu bình an, sức khỏe của ông bà đã biến thành chuyến viếng thăm bệnh viện, chẳng thấy bình an đâu chỉ thấy ông bà thì ốm đau, các con thì vất vả…

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG