Đồ lót “đổ đống” và những nguy cơ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Đồ lót "đổ đống" tại các chợ, các điểm bán vỉa hè vẫn nhận được sự ghé thăm đông đảo và thường xuyên của khách hàng. Với người thu nhập thấp, sinh viên thì vấn đề giá cả của mặt hàng này vẫn là yếu tố quan trọng.

Chị Lê Thụy Hiên (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị vẫn sẽ mua áo ngực giá rẻ ở chợ, vì thực ra loại này có giá cả phù hợp với túi tiền của chị. Theo chị: “một chiếc áo ngực hàng có thương hiệu, thì giá cả toàn từ vài trăm đến cả triệu bạc, trong khi lương nhân viên văn phòng như tôi ba cọc ba đồng, trong cái lúc khó khăn này còn chưa đủ chi tiêu cho gia đình, làm sao mà bỏ ra chừng ấy tiền để mua một cái áo ngực mặc bên trong thì thật quá phí hoài”.

Còn chị Hoàng Thị Giang (Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, Tp.HCM) thì lập luận: “ Chỉ cần khi mua cẩn thận hơn một chút, chọn lựa những cái sạch sẽ, lắn bóp kỹ xem có gì bất thường trong áo không, mà tôi thì tôi tránh những hàng có đệm ra để khỏi phải lo túi nước nọ, túi nước kia. Chứ bây giờ cứ sợ độc như thế thì thôi chẳng mặc gì cho khỏi phải lo”.

Đồ lót “đổ đống” và những nguy cơ ảnh 1

Theo tìm hiểu của phóng viên SKGĐ, bên cạnh những nỗi lo về hóa chất độc hại thì mặt hàng đồ lót còn tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cận kề hơn. Đó là tình trạng đồ lót “hàng đống”, không bảo quản tốt và bán tràn lan trên vỉa hè, hoặc trong chợ.

Những mặt hàng này thu hút người mua hàng bởi giá “siêu rẻ” và nhiều mẫu mã, tại chợ Phùng Khoang, tấm biển lớn treo giá: quần chip: 5.000-10.000 đồng/ chiếc; áo chip: 10.000-35.000 đồng/chiếc. Tại chợ Cầu Lủ, chợ Ngã Tư Sở, chợ Nghĩa Tân… không thiếu những điểm bán đồ lót “đổ đống” này, thậm chí chỉ một đoạn ngắn trên vỉa hè đường Chùa Bộc về đêm cũng có tới 5-6 điểm bán đồ lót với hình thức này, người mua vẫn đông đúc chen chúc nhau.

Tại khu vực chợ đêm Bình Tây (Q.5), chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), phố Nguyễn Trãi (Q.5), chợ Bàn Cờ (Q.3)… ở Tp.HCM, các mặt hàng đồ lót được đổ đống và phân loại theo giá. Chỉ vào đống áo lót được bày dưới chân, chị Mai, chủ một “cửa hàng” vồn vã: “Mua đi, không đâu rẻ bằng ở đây, bên này 15.000 đồng/cái, kia 20.000 đồng/cái…”. Theo quan sát của chúng tôi, đa phần đồ lót tại đây không có nhãn mác hoặc nhãn mác không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, những mặt hàng “nhạy cảm” này không được bảo quản tốt trong môi trường đầy bụi bẩn, ẩm ướt sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi khuẩn, nấm mốc từ khi chưa đến tay khách hàng. Đồ lót kém chất lượng, không được bảo quản và giặt sạch sẽ rất dễ gây ra các bệnh về da, và gây ra các bệnh phụ khoa cho chị em…

Đáng chú ý, không chỉ có đồ lót nữ được bày bán tràn lan như trên mà cả đồ lót nam cũng chung số phận. Trao đổi với phóng viên về chất lượng đồ lót với sức khỏe, BS. Nguyễn Hoài Bắc (Trung tâm Nam học, thuôc Bệnh viện Việt Đức) cho biết: Quần lót có chất lượng tốt có tính thấm, thải nhiệt và điều hòa nhiệt tốt. Ngược lại nếu chất lượng kém, mồ hôi và dịch tiết ra không được thấm hút, vùng kín luôn trong tình trạng ẩm ướt sẽ là môi trường tốt để vi khuẩn và nấm phát triển gây ra các bệnh về nấm mốc.

Lời khuyên của các chuyên gia da liễu

- Khi mua đồ lót về tuyệt đối không nên mặc ngay, người dùng cần giặt sạch để loại bỏ những vi khuẩn có thể nhiễm từ môi trường do người bán bảo quản không tốt để tránh nhiễm bệnh.

- Hạn chế mặc đồ lót dạng dây, bé xíu và ôm chặt: Những chiếc quần chặt, nhỏ, cạp ngắn này sẽ áp sát, thậm chí tì mạnh vào âm hộ, hậu môn, niệu đạo, vừa gây khó chịu vừa khiến vi khuẩn dễ thâm nhập, sinh sôi ở các cơ quan này, dẫn đến viêm đường tiết niệu hoặc các bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản.

- Nên chọn các loại quần áo lót dạng bông, cotton thông thoáng… Cần chú ý giặt thật sạch và phơi thật khô. Đồ lót bó vào người có thể giặt tay hoặc giặt riêng. Nên mang đồ lót ra phơi lúc trời nắng, tia tử ngoại sẽ tiêu diệt vi khuẩn một cách tốt nhất.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG