Doanh nghiệp là “bệ đỡ” cho sản phẩm khoa học

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về y dược có sự tham gia của doanh nghiệp, nhanh chóng đi vào cuộc sống, được các thầy thuốc và bệnh nhân đón nhận. Nhưng cũng không ít các sản phẩm khoa học chịu số phận hẩm hiu, phải nằm đâu đó trong thư viện hoặc ngăn kéo….

Chưa bao giờ, vai trò của doanh nghiệp dược trong phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt khi tham gia với vai trò là “bệ đỡ” cho các sản phẩm khoa học về y dược đi vào cuộc sống lại được đề cập nhiều như lúc này. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng, sự sống của các sản phẩm khoa học phụ thuộc hoàn toàn vào sự tham gia của doanh nghiệp.

Gần đây, trong lúc trà dư tửu hậu với Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm OPC Trịnh Xuân Vương, tôi đem câu chuyện về đời sống khoa học của ngành dược ra lạm bàn. Khá bất ngờ khi ông Vương tỏ ra hào hứng, ông cho rằng, ngành dược Việt Nam không thiếu các nhà khoa học giỏi, càng không thiếu những công trình nghiên cứu mang tính thực tiễn, ngang tầm với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở bao năm nay chính là việc làm thế nào để đưa được những công trình nghiên cứu ấy vào đời sống, để nó phát huy tác dụng với người bệnh cũng như sự phát triển của ngành dược Việt Nam. 

Ông Vương thừa nhận, ngành dược có những đặc thù riêng, không giống như các ngành tiêu dùng khác khi có thể tung ra thị trường một sản phẩm mà nếu như sản phẩm đó lỗi kỹ thuật có thể chỉnh sửa hoặc thu hồi. Một viên thuốc nhỏ nhưng liên quan đến tính mạng của hàng vạn con người, không cho phép một sai sót dù là nhỏ nhất. Vì vậy, từ quá trình nghiên cứu đến sản xuất thành phẩm đòi hỏi những quy định ngặt nghèo, theo những tiêu chuẩn của cả Việt Nam và thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện cả về nhân lực và vật lực để đưa một công trình khoa học và thực tiễn.

Doanh nghiệp là “bệ đỡ” cho sản phẩm khoa học ảnh 1

Lấy luôn ví dụ về sản phẩm siro HoAstex mà OPC vừa được nhận giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt 2014. Ông Vương cho rằng, không phải vô cớ mà sản phẩm này vượt qua hàng chục thương hiệu “có máu mặt” khác để được vinh danh một giải thưởng uy tín như vậy. Thuốc HoAstex là sản phẩm có xuất phát điểm từ một công trình nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh vào những năm 1983 của thế kỷ trước. 

Ban đầu sản phẩm chỉ sử dụng nội viện nhưng rất tốt, được các bác sỹ và người bệnh tín nhiệm. Nhưng đến năm 2005, khi Bộ Y tế có những thay đổi trong quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thuốc, sản phẩm buộc phải dừng sản xuất gây nên sự tiếc nuối cho cả một thế hệ y bác sỹ. Rõ ràng, lúc đó các doanh nghiệp dược đều biết đây là một công trình khoa học quý giá, nếu sản xuất thương mại sẽ rất thành công, nhưng không doanh nghiệp nào dám nhận nhượng quyền. 

Lúc đó chỉ có OPC với dây chuyền sản xuất hiện đại, hệ thống máy chiết đa năng đã nhận nhượng quyền để rồi làm hồi sinh một sản phẩm. Đây là tiêu chí quan trọng để sản phẩm HoAstex được các nhà khoa học đầu ngành trong hội đồng thẩm định trao giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt 2014.

Có thể, HoAstex là một sản phẩm may mắn được doanh nghiệp dược kịp thời phát hiện và bản thân OPC có đủ năng lực để đầu tư sản xuất, không làm mất đi một sản phẩm khoa học có giá trị. Nhưng trên thực tế, còn nhiều, thậm chí rất nhiều những công trình như vậy vẫn đang phải chịu cảnh hẩm hiu nằm trong một góc khuất nào đó.

Doanh nghiệp là “bệ đỡ” cho sản phẩm khoa học ảnh 2
Trong một hội thảo mới đây về tương lai của ngành dược Việt Nam, tôi có dịp trò chuyện với những doanh nghiệp được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” của ngành dược Việt Nam. Lẽ thường, họ sẽ là thuyền trưởng, có vai trò dẫn dắt, tiên phong, nhất là trong vai trò đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống. Nhưng thật ngạc nhiên, đa phần các doanh nghiệp đều tỏ ra thận trọng và khá dè dặt.

Ngành dược Việt Nam không thiếu các công trình khoa học có tính thực tiễn; đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam về y dược cũng không thiếu người tài giỏi, thậm chí không ít lần khiến cộng đồng y học thế giới “ngả mũ”. Vậy tại sao thuốc Việt còn lép vế ngay trên sân nhà; tại sao doanh nghiệp dược vẫn chỉ hào hứng với sản xuất nhượng quyền các sản phẩm dược của nước ngoài, trong khi thị trường nhượng quyền các sản phẩm thuốc nội vẫn bỏ ngỏ và đầy tiềm năng; tương lai của ngành dược sẽ ra sao ?. Đó là hàng loạt câu hỏi được đặt ra rất cần giải đáp.

Doanh nghiệp là “bệ đỡ” cho sản phẩm khoa học ảnh 3
Nhưng có lẽ, trước khi trả lời được những câu hỏi này, cần nhìn thẳng vào những gì đang tồn tại để thấy rằng, sẽ không thể trong ngày một ngày hai dễ dàng giải quyết. Một doanh nghiệp như OPC dù có lớn mạnh đến đâu cũng chỉ “khua tay trong bị” nếu như họ còn đơn độc. 

Nói như ông Trịnh Xuân Vương, các nhà khoa học với các sản phẩm khoa học của họ, dù ở ngành nào đi chăng nữa cũng giống như một triển lãm trên cánh đồng. Và trên cánh đồng đó có rất nhiều thành phần khác nhau cùng tham dự, nhưng chỉ doanh nghiệp mới có khả năng đưa các sản phẩm đó vào đời sống. Một khi doanh nghiệp đi đầu, trực tiếp tham gia triển lãm, nhặt ra những sản phẩm vừa với sức mình để đầu tư thì sớm hay muộn, sản phẩm đó cũng sẽ thành công.

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.