Đọc thông tin này, rùng mình vì chất lượng nước đóng bình

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Có 44 cơ sở nước đóng bình bị dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm, 7 cơ sở bị dừng hoạt động, 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng. Lỗi chủ yếu do không đạt chất lượng, ATTP...

Theo ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP TP. Hà Nội, trong năm 2018, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 416 cơ sở được thanh, kiểm tra trên toàn địa bàn TP. Qua đó, có 44 cơ sở dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị dừng hoạt động. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn...

Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, Phòng Công tác thanh tra của Chi cục đã tiếp nhận và giải quyết 3 vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. Qua kiểm tra tại Cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Lê Thị Doan ở Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội cho thấy cơ sở này không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và nhân viên.

Ngoài ra, Chi cục Vệ sinh ATTP TP. Hà Nội đã kiểm tra 5 cơ sở và tham mưu cho Sở Y tế có công văn gửi UBND quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì kiểm tra 4 cơ sở. Qua đó, phát hiện 4/5 cơ sở không đạt vệ sinh cơ sở, 2/3 mẫu nước uống đóng chai và 1/2 mẫu nước đá dùng liền không đạt về vi sinh vật. Chi cục đã yêu cầu các cơ sở thu hồi và bảo quản các sản phẩm có cùng lô với mẫu đã lấy; rà soát toàn bộ quy trình sản xuất và khắc phục sự cố không đảm bảo ATTP. Xử lý vi phạm hành chính hơn 20 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay các vi phạm mới được tiếp tục sản xuất và kinh doanh sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.

Bác sĩ Cao Ngọc Nga, chuyên gia vi sinh của Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết, nước đóng bình nhiễm Pseudomonas aeruginosa - loại trực khuẩn gây bệnh mủ xanh và nhiễm Coliforms - một loại vi khuẩn gây bẩn rất nguy hiểm cho người dùng.

“Ngoài sử dụng nguồn nước không đảm bảo, hệ thống xử lý nước thô sơ và công nghệ xúc rửa bình mất vệ sinh là nguyên nhân giúp các loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại”, bác sĩ Nga nói. Chuyên gia này cho biết, Pseudomonas gây các bệnh nhiễm khuẩn ở người như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn cơ hội. Đây là loại trực khuẩn gram âm, sống ở khắp nơi trong môi trường thiên nhiên, thích hợp với các môi trường ấm và ẩm ướt. 

Khuẩn này có độc lực cao, rất dễ xâm nhập vào giác mạc khi có điều kiện thuận lợi. Trực khuẩn mủ xanh còn có khả năng tiết ra men tiêu collagen, dẫn đến hoại tử giác mạc, thủng giác mạc nhanh chóng. “Ở một số trẻ em bị viêm hô hấp mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”, bác sĩ Nga cho biết.

Trước thực trạng nước đóng bình nhiễm bẩn tràn lan trên thị trường, các bác sĩ ở Trường ĐH Y Dược TP HCM và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM đã đo nồng độ fluor của nước. 

Kết quả cho thấy, nồng độ chất này trong một số mẫu nước đóng chai, đóng bình đạt 2 mg/l, trong khi quy định tiêu chuẩn nước uống chỉ 0,7-1,5 mg/l. Dù không gây ung thư nhưng nếu sử dụng thường xuyên nguồn nước có hàm lượng fluor cao hơn trên 2 mg/l có thể dẫn tới đen răng, mục xương. 

MỚI - NÓNG