Đối mặt nguy cơ xuất hiện dịch cúm A/H7N9

Chợ gia cầm Hà Vỹ đang được tăng cường kiểm soát để ngăn gà “trọc đầu” nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh : Phạm Anh
Chợ gia cầm Hà Vỹ đang được tăng cường kiểm soát để ngăn gà “trọc đầu” nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh : Phạm Anh
Nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam hiện rất cao khi tại Trung Quốc, nước có chung đường biên giới dài với nước ta đã có 51 trường hợp tử vong do cúm A/H7N9. Bộ Y tế đã phát đi những cảnh báo đề phòng dịch cúm A/H7N9.

Virus độc lực thấp nhưng tử vong cao

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã triển khai các biện pháp chủ động đối phó với dịch cúm A/H7N9 đang có nguy cơ lớn xâm nhập vào nước ta. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch cúm A/H7N9 đã lan xuống các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, nơi có nhiều người Việt Nam du lịch, buôn bán và sinh sống. 

Đặc biệt khi đàn gia cầm nhiễm bệnh lại không có biểu hiện ra ngoài nên khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh, chủ yếu phát hiện từ mẫu bệnh phẩm được lấy từ môi trường tại các chợ buôn bán gia cầm sống. 

Bộ Y tế khẳng định nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam trong mùa Đông-Xuân tới là rất lớn, đặc biệt là khi tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nơi tiếp giáp với miền Bắc Việt Nam, đã ghi nhận 5 ca bệnh.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, giám sát tình hình bệnh cúm tại 15 địa điểm trọng điểm cho thấy, hiện vẫn chưa phát hiện có chủng cúm A/H7N9 xuất hiện tại Việt Nam. Ngoài ra, kết quả giám sát tại 147 chợ kinh doanh gia cầm sống cho thấy cũng chưa xuất hiện virus cúm A/H7N9. Mặc dù vậy có tới 61% số mẫu gia cầm được lấy từ các chợ này có virus cúm A/H5N1.

Theo GS Hiển, trên gia cầm, virus cúm A/H7N9 có độc lực thấp nên khó phát hiện. Tuy nhiên khi lây bệnh sang người lại chuyển biến nặng dễ gây tử vong. Thống kê cho thấy, phần lớn các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 đều bị viêm phổi nặng. Triệu chứng bao gồm: Sốt, ho và khó thở, dễ dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. 

Một số nhà khoa học cho rằng khả năng lây truyền cúm A/H7N9 từ người sang người cao ở những người có cùng huyết thống. Nguyên nhân được cho là do yếu tố di truyền nào đó làm tăng khả năng cảm nhiễm với virus này. Trên thực tế cũng đã gặp một số trường hợp tương tự đối với các virus cúm gia cầm khác, bao gồm cúm gia cầm A/H5N1.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, ngành y tế đã chú trọng tăng cường giám sát các ca bệnh, các chùm ca bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng. 

Trước đó, ngành y đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ tuyến tỉnh, thành phố về các triệu chứng viêm phổi nặng, khi có ca bệnh sẽ báo cáo và gửi ngay mẫu về các trung tâm y tế dự phòng để xét nghiệm, nhanh chóng xác định nguyên nhân gây bệnh.

Trước nguy cơ đối mặt với dịch bệnh cúm A/H7N9, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tổ chức các đoàn đi kiểm tra và tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ca bệnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh đi từ vùng có dịch vào Việt Nam, sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định.

Chưa kiểm soát được tình trạng buôn bán gia cầm

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc buôn bán vận chuyển gia cầm giữa hai nước chưa kiểm soát tốt, các hoạt động buôn bán, giao thương dịp Tết rất lớn. Có thể có người Việt Nam bị nhiễm cúm A/H7N9 khi đi du lịch, buôn bán tại Trung Quốc.

Ông Thành lưu ý, người tiêu dùng cần mua gia cầm có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch của thú y, giết mổ ở cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Theo ông, để “gác” dịch ở biên giới, mới đây Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, đã có chỉ thị, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, trong lúc nguy cơ ngày càng “nóng”, nên tới đây Bộ trưởng sẽ báo cáo lên Chính phủ, đề nghị để Thủ tướng có công điện, yêu cầu các địa phương gác chặt hơn.

Một số nhà khoa học cho rằng khả năng lây truyền cúm A/H7N9 từ người sang người cao ở những người có cùng huyết thống. Nguyên nhân được cho là do yếu tố di truyền nào đó làm tăng khả năng cảm nhiễm với virus này.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển

Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội)- chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc, chủ yếu tiểu thương bán các loại “gà nội”. Một tiểu thương cho biết, dịp Tết, người dân chủ yếu ăn các loại gà ta, như gà Đông Tảo (gà lai), gà đồi Yên Thế Bắc Giang, gà Ả Rập, gà Tam Hoàng… Hiện giá gà sống từ 60.000-80.000 đồng/kg. Theo tiểu thương này, gần Tết nên nhu cầu gà đẻ loại thải cũng giảm, tuy nhiên không loại trừ gà “trọc đầu” từ Trung Quốc có thể được trà trộn bán trong chợ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, gần đây, các cơ quan chức năng ở Hà Nội không phát hiện lô gà “trọc đầu” nhập lậu nào. Mới đây, có phát hiện ra 2 xe chở gà loại thải, nhưng kiểm tra giấy tờ, có nguồn gốc từ Đồng Nai.  

Theo ông, hiện nguồn cung gà trong vùng cũng rất lớn, mặt khác các cơ quan liên ngành kiểm tra gắt gao thường xuyên, nên các đối tượng cũng khó tuồn hàng vào chợ. “Hà Nội có quy định, nếu phát hiện xe chở gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc sẽ giam xe 60 ngày, nên cánh vận chuyển cũng rất sợ”- ông Đăng nói.

Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số chợ ở Hà Nội, như Cổ Nhuế, Dịch Vọng, Nghĩa Tân, Phùng Khoang... nhiều tiểu thương bán gia cầm không có dấu kiểm dịch. Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) giá bán của gà công nghiệp từ 50.000- 60.000 đồng/kg, loại gà có màu vàng nhạt, da căng. Còn loại gà có màu trắng nhạt, hơi thâm, da nhăn bán với giá 40.000đồng/kg. 

Một tiểu thương cho biết, gà nhập ở xa đưa về, vặt lông bằng máy nên da nhăn. Tuy nhiên, một số tiểu thương gần đó “rỉ tai”, đó là gà chết, được bơm nước vào để da căng, chỉ để đến quá buổi sẽ nhăn lại. Hầu hết người mua chỉ hỏi giá, ít nguời để ý nguồn gốc của gà ở đâu.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo để phòng bệnh cúm A/H7N9 người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn. Nếu có các biểu hiện cúm như sốt cao, ho, đau đầu, khó thở, nhất là có tiền sử tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hoặc với gia cầm ốm chết thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời.

MỚI - NÓNG