Đối phó với chứng ợ chua

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Ợ chua không phải là một bệnh và nó thường không gây nguy hiểm tới sức khỏe con người, ngoại trừ việc làm chúng ta khó chịu mất vài phút. Tuy nhiên nếu bạn bị chứng ợ chua thường xuyên thì nên đi khám bác sĩ vì rất có thể đó là biểu hiện của bệnh loét dạ dày.

Người mắc chứng ợ chua thường có những biểu hiện rất dễ nhận biết như là đau rát giống như có lửa đốt ở ngực và miệng thường xuyên cảm vị chua do sự trào ngược axit ở cuống thực quản gây nên.

Axit này có tác dụng giúp tiêu hoá thức ăn và tiêu diệt một số vi trùng có lẫn trong thực phẩm. Nó không làm tổn thương dạ dày vì bộ phận này có lớp màng ở mặt trong. Bình thường thức ăn cũng như axit được giữ trong dạ dày, không dội ngược lên nhờ chiếc van nằm ở cuối thực quản. Nhưng khi chiếc van đó thư giãn hơi lâu khi ta nuốt thức ăn, chất chua lợi dụng cơ hội đó để “cửa mở”, trào ngược lên thực quản.

Cần thay đổi chế độ dinh dưỡng

Một trong những cách tốt nhất để phòng chống chứng ợ chua là nên tăng lượng chất đạm, chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày của bạn. Chất đạm có tác dụng trung hòa nước chua trong dạ dày và giúp nước chua khó trào ngược lên trên thực quản.

Nên ăn rau cải giúp bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa hoặc các loại giấm táo cũng là đồ uống chống co thắt đường tiêu hóa, phòng chứng ợ chua hữu hiệu. Uống nhiều nước trong và sau bữa ăn cũng cần chú ý để tối ưu hóa tác dụng nhuận trường của chất xơ.

Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế một số thực phẩm gia tăng sự sản xuất axit trong bao tử như nước sốt, bơ, các đồ ăn lên men như dưa cà, dưa cải, kimchi hay những quả chua chứa nhiều axit.

Những loại thực phẩm chứa chất kích thích như cà phê, rượu, trà, nước ngọt có ga... luôn có nguy cơ làm van đậy dạ dầy của bạn yếu đi và axit sẽ có dịp trào ngược dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các loại tinh dầu thực vật, gia vị hành tỏi... cũng gây giãn nở vùng hang vị của bạn khiến nước chua dễ dàng trào ngược hơn.

Nếu bạn thường xuyên ăn các loại hoa quả chứa nhiều đường và axit hữu cơ như chuối, cam quýt, cà chua… thì nên hạn chế vì chúng có thể gây ra trạng thái khó tiêu, rối loạn chức năng của dạ dày do dư thừa axit.

Thay đổi thói quen

Ăn quá nhanh nghĩa là bạn phải nuốt những miếng to khiến dạ dày khó tiêu hóa là một nguyên nhân thường gặp gây nên chứng ợ chua. Đừng ăn quá no, ăn thật chậm, nhai thật kỹ để dạ dày cũng chậm rãi làm việc.

Bạn nên chia các bữa chính ra thành các bữa nhỏ trong ngày và chỉ ăn nhẹ ở mỗi bữa để tránh tình trạng quá no. Vì khi ăn quá no dạ dày của bạn sẽ quá tải gây khó chịu, buồn nôn và dễ bị trào ngược thức ăn lên cổ họng.

Sau khi ăn xong bạn nên đứng lên, đi dạo cho thức ăn mau tiêu.

Khi ngủ, bạn nên kê gối cao hơn người, nằm nghiêng sang phía trái để đẩy thức ăn trong dạ dày ra xa chỗ tiếp giáp thực quản và bao tử.

Dùng thuốc đúng cách

- Thuốc trung hòa axit trong dạ dày làm bớt ợ chua, có tác dụng nhanh chóng nhưng công hiệu chỉ kéo dài vài giờ. Bạn nên uống thuốc sau khi ăn vì nếu uống trước bữa ăn, thuốc sẽ bị thải khỏi dạ dày rất nhanh. Nếu dùng lâu có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy.

- Thuốc chống sự tiết axit trong dạ dày như tagamet, zantac, pepcid. Tác dụng của thuốc bắt đầu độ nửa giờ sau khi uống và kéo dài 3-4 giờ, có thể làm bớt hay trị ợ chua. Nên uống trước khi ăn khoảng 1 giờ.

H.D

Bài viết được sự tư vấn của BS. Vũ Đức Chung

Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện 354, Hà Nội

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG