Đừng để trẻ thơ bị stress!

Đừng để trẻ thơ bị stress!
TPO - Tuổi thơ bị stress kéo dài ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe tuổi trưởng thành. Trái lại những ký ức hạnh phúc về bố có thể là “thần dược” đối với sức khỏe.

- Cho dù khá nhiều chứng bệnh mãi đến tuổi trung niên mới bắt đầu lên tiếng, song gốc rễ của chúng bắt nguồn từ tuổi ấu thơ – GS. BS Karen Matthews (Đại học Pittsburgh) khẳng định tại Hội thảo Khoa học do Hiệp hội Tâm lý học Mỹ tổ chức tại San Diego, California. – Tất nhiên những bệnh tật sau này chủ yếu do tình trạng thiếu quan tâm đến sức khỏe vào giai đọan sau tuổi 20 hay 30. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học chỉ ra rõ ràng: những trải nghiệm bất hạnh từ tuổi ấu thơ, đặc biệt gắn với nó là tình trạng thiếu thốn vật chất, sự cách ly hay bị trù dập…cũng tác động nặng nề đến sức khỏe đối tượng, khi vào tuổi trung niên – GS Matthews nói thêm.

Đừng để trẻ thơ bị stress! ảnh 1

Áp huyết xấu

Đã nhiều năm GS. BS Karen Matthews nghiên cứu vấn đề: bằng cách nào stress và môi trường sống gia tăng nguy cơ mắc các bệnh hệ tuần hoàn máu. Tại San Diego BS. BS Matthews đã dành nhiều thời gian thực hiện dự án “Pressure” (Áp huyết) kéo dài hơn mười năm, trong đó bao gồm công việc theo dõi số phận của 212 tình nguyên viên tham gia chương trình nghiên cứu. Vào thời điểm bắt đầu triển khai dự án, tất cả đều ở độ tuổi 14-16, đều khỏe mạnh, không ai bị béo phì. Thế nhưng kết quả quan sát cho thấy: những đối tượng từng trải qua tuổi ấu thơ trong điều kiện tồi tệ (vị thế xã hội và kinh tế gia đình dưới đáy xã hội), sau hơn mười năm bị những rắc rối về sức khỏe đe dọa nhiều nhất.

- Về lâm sàng, động mạch của họ cứng hơn nhiều so với động mạch của đối tượng cùng tuổi. Họ cũng có áp huyết cao hơn. Tất cả dấu hiệu chứng tỏ: Quá trình xơ vữa đã bắt đầu hình thành bên trong mao mạch của họ - hiện tượng làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tai biến não – GS. BS Matthews giải thích. Theo nhà khoa học Mỹ, điều kiện sống tồi tệ thời ấu thơ chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện trong cơ thể những người trẻ tuổi những thay đổi hoóc-môn bất lợi liên quan đến stress, cảm giác bị bạn bè hắt hủi và thiếu sự chấp nhận của chính bản thân.

Trái lại, trên diễn đàn Hội thảo San Diego, GS Janice Kiecolt-Glaser, chuyên gia Tâm lý trẻ em nổi tiếng Mỹ (Đại học bang Ohio) nhấn mạnh: chấn thương tâm lý tuổi ấu thơ khởi đầu cả chuỗi tình cảm tiêu cực – tâm trạng bất an, trầm cảm – yếu tố gây ra những rắc rối với sức khỏe ở những năm tháng tiếp theo và có thể dẫn đến tử vong sớm.

Cùng tập thể cộng sự, GS Kiecolt-Glaser đã nghiên cứu 132 đối tượng đã trưởng thành – những người còn nhớ chính xác, thời ấu thơ của họ thế nào. Kết quả chứng tỏ: những người thừa nhận, tuổi thơ thiếu may mắn (thí dụ, từng là nhân chứng bố mẹ cãi vã, nát rượu, coi thường và bỏ rơi con cái…) chính là đối tượng bị những rắc rối về sức khỏe đe dọa nhiều nhất. – Trong máu họ, nồng độ TNF-3 và IL-6 (những hợp chất liên quan đến các quá trình viêm nhiễm, các bệnh lây nhiễm va các bệnh hệ tuần hoàn máu) cao hơn hẳn đối tượng đối chứng. Độ dài các telomery (chân nhiễm sắc thể) của họ cũng ngắn hơn hẳn so với đồng lứa con em các gia đình hạnh phúc. Trong khi các telomery ngắn đồng nghĩa với tình trạng tăng tốc quá trình lão hóa của cơ thể và sự phát triển các bệnh liên quan đến tuổi già – GS Kiecolt-Glaser dẫn giải.

Bố tốt như “thần dược”

Các nhà khoa học Mỹ cũng chứng kiến hiện tượng ngược lại – những ký ức hạnh phúc phát huy tác dụng bảo vệ sức khỏe. Cho đến cách đây không lâu giới nghiên cứu chủ yếu chỉ kiểm chứng, mối quan hệ tốt với mẹ mang lại cho chúng ta những lợi ích gì. Giờ đây lần đầu tiên người ta cũng chứng minh được tác động quan trọng của vai trò người bố đối với sức khỏe tâm lý và sự ổn định tình cảm của con cái.

Đừng để trẻ thơ bị stress! ảnh 2

- Chúng tôi đã phát hiện ra rằng, ký ức tốt đẹp về bố làm cho đứa trẻ cho đến khi đã là người trưởng thành vẫn tự xoay sở tốt hơn với mọi rắc rối nảy sinh trong cuộc sống thường nhật, trong đó có stress. Hiệu ứng đặc biệt thấy rõ trong trường hợp con trai – GS Mallers, chuyên gia Tâm lý Đại học bang Californnia ở Fullerton khẳng định.

Để đi đến kết luận như vậy, nhà khoa học đã thực hiện phỏng vấn 912 người trong độ tuổi 25-74. Các cuộc phỏng vấn liên quan đến những sự kiện stress hoặc những rắc rối về tình cảm, mà đối tượng trải nhiệm trong thời gian gần nhất. Họ cũng trả lời những câu hỏi về thời thơ ấu của mình, đặc biệt là mối quan hệ với bố.

- Những người đàn ông từng có mối quan hệ tốt với bố tự xoay sở với stress thường nhật tốt hơn hẳn đối tượng có ký ức buồn về bố - GS Mallers mô tả kết quả nghiên cứu.

Thất bại gây đau lòng trở lại

- Về chiều ngược lại, con cái cũng có thể gây không ít phiền toái về sức khỏe cho bố mẹ. – Ngay cả khi con cái đã trưởng thành, đã rời khỏi đại gia đình và có cuộc sống riêng, chúng vẫn tác động rất mạnh tới sức khỏe bố mẹ. Nhất là trường hợp cuộc sống của con cái không diễn ra như ý muốn – GS Karen Fingeman (Đại học Purdue ở Indian) phân tích.

Để thực hiện thí nghiệm của mình, GS Fingeman đã tiếp xúc với 633 vị phụ huynh có tổng số 1.251 con đã trưởng thành. Nhà khoa học đã hoi họ về trình độ văn hóa, diễn biến sự nghiệp của con cái họ, song cũng tìm hiểu, liệu chúng có gặp rắc rối với tệ nát rượu, ma túy hoặc các hành vi phạm pháp. Cũng có những câu hỏi về đời tư của chúng, thí dụ vợ chồng ly hôn.

Kết quả cho thấy: việc có con mới gặp chuyện không hay - theo đánh giá của cha mẹ, đã tác động rất xấu đến trạng thái tâm lý của họ. Có chi tiết thú vị: hiệu ứng này duy trì lâu dài thậm chí cả trong trường hợp người con thứ hai giành được thành công nào đó trong cùng thời gian. – Điều đó chứng minh: suốt cuộc đời cha mẹ sống cùng cuộc sống của con cái và trải nghiệm thất bại của con cái mạnh hơn nhiều so với thành công có thể của chúng – GS Karen Fingeman đúc kết.

Minh Anh
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.