Ghép gen thỏ vào cây thành bộ lọc không khí

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Trong nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường, các nhà nghiên cứu đã giải thích cách mà họ đã sử dụng bộ gen của động vật có vú, trong đó có thỏ, để giúp những loại cây cảnh thông thường tăng cường khả năng làm sạch không khí.

Thực vật rất hữu ích trong việc sản xuất oxy mà tất cả chúng ta đều cần để thở, nhưng còn việc làm sạch bầu không khí chứa đầy các hóa chất độc hại thì sao?

Nghiên cứu trong quá khứ đã phát hiện ra rằng thực vật ít nhiều có chức năng dọn dẹp một số hợp chất nhất định trong không khí, vì vậy các nhà nghiên cứu tự hỏi, liệu có thể giúp thực vật tăng cường chức năng đó bằng cách chỉnh sửa chút ít trong bộ gen.

Các nhà khoa học bắt đầu với một loại cây họ ráy, có tên Trầu bà vàng. Họ đã sửa đổi các gen của cây bằng cách thêm một phiên bản tổng hợp của một gen thường được tìm thấy ở thỏ có tên là P450 2e1.

Ở động vật, gen này giúp cơ thể con vật loại bỏ hoá chất bằng cách thúc đẩy một loại enzyme phá vỡ công thức của các loại hóa chất và dường như điều này cũng thành công trên thực vật.

Bằng cách so sánh khả năng loại bỏ các hóa chất trong không khí, bao gồm chloroform và benzen, hai loại hóa chất phổ biến trong không khí trong nhà giữa những loại cây thông thường và cây đã được chỉnh sửa gen, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhóm cây được chỉnh sửa phát huy hiệu quả cao hơn gần năm lần so với cây thông thường trong việc loại bỏ các hóa chất trong bầu không khí xung quanh.

Các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch thực hiện những thử nghiệm mới để tìm thêm các loại hóa chất khác mà thực vật có thể làm sạch trong không khí. Họ cũng đang xem xét việc sử dụng các loại gen khác để cấy ghép trên những loại cây khác nhau. Việc làm này xem ra vẫn còn khá mới mẻ, nhưng cũng đầy hứa hẹn.

Theo BGR
MỚI - NÓNG