Ghép thận thành công cho trẻ suy thận giai đoạn cuối

Ghép thận thành công cho trẻ suy thận giai đoạn cuối
TP - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư vừa ghép thận thành công cứu sống bé trai 11 tuổi (ảnh) bị suy thận mãn giai đoạn cuối. Đáng nói là suốt gần 10 năm qua, kể từ khi bị bệnh, gia đình tự chữa cho con bằng thuốc nam khiến bệnh tình của bé ngày càng nặng thêm. Bệnh thường xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp và trên cơ địa dị ứng.

Năm 2005, khi đó bé N.H.M (ở Nghệ An) tròn 3 tuổi thì mắt bỗng sưng phù, gia đình chỉ nghĩ con tăng cân nên mắt híp lại. Sau khoảng 1 tuần thì trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, tiểu ít nên bố mẹ đưa đi khám tại bệnh viện huyện và tỉnh. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị hội chứng thận hư. Đây là căn bệnh đòi hỏi sự theo dõi sát sao của bác sĩ cũng như uống thuốc theo chỉ định của thầy thuốc. 

Tuy nhiên vì gia cảnh khó khăn nên bố mẹ bệnh nhi không cho con điều trị tại bệnh viện mà đưa về nhà mua thuốc nam cho uống. Gần 10 năm đằng đẵng, cậu bé chỉ được dùng thuốc nam đã khiến căn bệnh tiến triển nặng thành suy thận mãn. Cuối năm 2015, đi khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư các bác sĩ chẩn đoán bệnh của bé M. đã ở giai đoạn cuối.

Bác sĩ Thái Thiên Nam, Phó trưởng khoa Thận (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, việc điều trị cho bệnh nhi này đặt ra cho các bác sĩ nhiều thách thức. Từ khi tiếp nhận bệnh nhi cho đến khi ghép thận thành công, tình trạng sức khỏe thất thường của bệnh nhân khiến các bác sĩ liên tục phải thay đổi phương pháp điều trị từ lọc màng bụng đến chạy thận và cuối cùng là ghép thận. Rất may, mẹ của bệnh nhân có thận với các chỉ số xét nghiệm phù hợp với con trai mình nên ngày 15/12 vừa qua bệnh nhi đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép thận.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Dũng, Phụ trách khoa Ngoại - Tiết Niệu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, trong quá trình ghép, kíp phẫu thuật được chia làm 2 nhóm khác nhau, tiến hành song song để đảm bảo thận lấy ra phải được ghép kịp thời. Cũng theo bác sĩ Dũng, khó khăn trong quá trình phẫu thuật là động mạch thận của người mẹ rất ngắn (chỉ khoảng 1,5cm), phải lấy sát về phía động mạch chủ để ca ghép thuận lợi.

Sau 5 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca ghép đã cho kết quả tốt đẹp. Chỉ sau khi nối mạch máu và mở mạch máu đã được ghép, thận của bệnh nhi đã có ngay nước tiểu, các chỉ số sinh tồn đều tương đối ổn định. Ngày thứ 14 sau ghép, với tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, trẻ được các bác sĩ xuất viện.

Bệnh viện Nhi T.Ư từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi vào viện trong tình trạng bệnh đã  đến giai đoạn nặng do gia đình chữa cho con bằng các thuốc nam. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình không tự ý điều trị cho con mà không có sự hướng dẫn cặn kẽ của thầy thuốc để tránh tình trạng bệnh tiến triển không kiểm soát như tình trạng của bệnh nhi M.

Trẻ nhiễm khuẩn hô hấp dễ phát bệnh

Trên thực tế lâm sàng thường gặp hội chứng thận hư xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp và trên cơ địa dị ứng. Bệnh biểu hiện chủ yếu là trẻ đi tiểu ra nhiều đạm và phù toàn thân nhưng không rõ nguyên nhân. Bệnh gây tổn thương cầu thận mạn tính ở trẻ em. Tại Việt Nam, tuổi mắc bệnh trung bình ở trẻ em là 8,7 tuổi; trẻ nam mắc bệnh nhiều hơn so với trẻ nữ.

Các bác sĩ cho biết, hội chứng thận hư ở trẻ em thường tái phát nên cần theo dõi sát trong nhiều năm. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị nội trú ở bệnh viện cũng như việc điều trị ngoại trú một cách nghiêm túc. Trẻ cần được theo dõi các biểu hiện phát triển như chiều cao, cân nặng, huyết áp và các kết quả xét nghiệm giúp theo dõi bệnh. Do bệnh thường xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp hoặc các bệnh nhiễm khuẩn khác nên cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, học tập và nghỉ ngơi hợp lý để tránh các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp.

MỚI - NÓNG