Gia đình có điều kiện, vì sao con vẫn suy dinh dưỡng thấp còi?
TPO - “Không phải những gia đình khó khăn thì con mới bị thấp còi, mà cả những gia đình có điều kiện, thừa kinh tế cung cấp cho con nhưng trẻ vẫn gặp tình trạng này?” – GS.TS.BS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam nói.

Ngày 17/1, tại hội thảo khai mạc dự án Happy Việt Nam tổ chức ở TPHCM, BS Trần Hữu Dàng cho biết, thống kê của Cục sức khỏe dân số thế giới cho thấy, Việt Nam thuộc top những quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam giới là 164,4 cm, thấp hơn 13 cm so với chuẩn WHO; nữ giới là 153,4 cm, thấp hơn 10 cm so với chuẩn.
Còn theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, tỉ lệ trẻ thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi. Trong đó, miền núi phía Bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4%. Đây là những con số đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

“Nguyên nhân của suy dinh dưỡng thấp còi đa phần do dinh dưỡng. Nhưng không phải gia đình khó khăn, thiếu ăn thì con mới suy dinh dưỡng thấp còi, mà cả gia đình có điều kiện, con cũng thấp còi. Trong đó, tại nhiều gia đình, phụ huynh còn thiếu kiến thức, thực hành dinh dưỡng; cho con ăn nhiều đồ ăn nhưng ăn không đúng cũng dẫn đến thấp còi. Hiện có tới 57% người Việt Nam ăn thiếu rau, thừa muối, thừa bia rượu…” – BS Dàng chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Dù nhanh hay chậm thì giai đoạn tăng trưởng nào cũng quan trọng. Tuy nhiên thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của trẻ tăng chậm hơn 4-6cm/năm hoặc chiều cao của trẻ luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi, nên cho trẻ thăm khám để tìm nguyên nhân.
Dự án Happy Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tốt, nhận biết sớm và điều trị đúng cách khi trẻ có các biểu hiện của tình trạng thấp còi. Dự án triển khai trong 2 năm, từ tháng 7/2020 ở 7 tỉnh thành gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Hà Nội và TPHCM.
Cùng chuyên mục

Tập trung giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài

TPHCM đề xuất trả lương chuyên gia dạy lái tàu metro hơn nửa tỷ đồng/tháng

Bình Phước thông tin kết quả xét nghiệm 5 người Trung Quốc vượt biên trái phép

Mỗi ngày, TPHCM thu về ngân sách 2.900 tỷ đồng

TPHCM đã có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND TP

TPHCM lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm COVID-19 ở các cơ sở tôn giáo

Đề nghị truy tố tiếp viên hàng không làm lây dịch bệnh COVID-19
