Gia đình vợ không coi tôi ra gì

Gia đình vợ không coi tôi ra gì
Tôi lấy vợ đã năm năm, gia đình hai bên cũng thuộc loại môn đăng hộ đối, có nghĩa là chẳng giàu sang phú quý nhưng cũng không đến nỗi nghèo hèn, chúng tôi đều có nhà ở Hà Nội.

Thời gian đầu mới cưới, vợ vẫn ở nhà bố mẹ tôi. Cô ấy cũng ngoan ngoãn hiền lành và cư xử đúng phép.

Tới khi cô ấy cấn thai rồi mang bầu ngày càng lớn thì sức khỏe yếu đi thấy rõ. Cô ấy hay tủi thân vì ở nhà chồng không được chăm sóc chu đáo, muốn ăn món gì cầu kỳ hơn một chút cũng không dám bảo bố mẹ chồng làm cho. Điểm này thì tôi thấy vợ có lý, mẹ tôi không phải người biết nấu ăn, từ bé bà nuôi tôi chủ yếu thực đơn chỉ toàn rau muống với thịt rang khô quắt, bà không giỏi chế biến cũng không chú ý việc thay đổi món, vợ tôi ăn mãi canh rau ngót nấu thịt với thịt rang cũng sợ. Cô ấy thường xuyên bỏ ăn hay cố ăn cũng nôn ra hết vì sức khỏe yếu. Mẹ tôi thì nghĩ cô ấy cậy có bầu nên đổi tính õng ẹo. Tất nhiên bà chỉ tỏ thái độ với riêng tôi, còn với vợ tôi mẹ vẫn đối xử bình thường.

Muốn tốt hơn cho cả vợ và mẹ, tôi quyết định chiều lòng vợ cho cô ấy về mẹ đẻ chăm sóc. Cô ấy rất vui, bố mẹ vợ phấn khởi. Bố mẹ tôi không thực sự hài lòng nhưng cũng không có ý kiến ngăn cản. Thế là vợ chồng tôi “khăn gói quả mướp” sang nhà ngoại tá túc.

Được mẹ đẻ chăm đúng là sức khỏe vợ tôi khá hơn lên. Tôi thấy tinh thần cô ấy thoải mái thì rất mừng. Tôi chiều vợ hết sức, cô ấy muốn gì tôi cũng mua để cô ấy tẩm bổ, tuần đưa vợ đi siêu thị đôi lần. Nghĩ bố mẹ vợ nhọc công chăm cho cả vợ và con tôi nên tôi cũng để ý bù đắp, chiều ý ông bà. Ngoài thời gian đi làm, mẹ vợ bảo gì tôi đều làm hết, từ việc vào bếp nhặt hộ bà mớ rau đến ra chợ mua hộ bà cọng hành, lạng thịt vì sáng đi chợ bà quên mất… Tôi giúp bố chồng giặt quần áo rồi đem quần áo ra phơi, tối lại cất vào vì không nỡ để ông nhiều tuổi rồi còn lọ mọ trên sân thượng. Ở nhà vợ, tôi nhiệt tình như vậy nên mọi người đều quý mến, không còn khoảng cách “dâu con rể khách”, tôi rất vui vì mọi người với mình thoải mái như ruột thịt trong nhà.

Song vợ tôi qua chín tháng mang bầu rồi thậm chí sinh con cũng không có ý định quay về nhà nội. Lúc nào cô ấy cũng có lý do để lần lữa. Qua giai đoạn thai nghén ốm yếu tôi tính đưa vợ về nhà thì cô ấy bảo ở bên ngoại cho tiện, gần với cơ quan, giờ bụng to rồi đi lại đoạn đường dài nguy hiểm. Đến sát ngày sinh con cô ấy lại bàn với tôi là đằng nào sinh xong một tháng đầu cũng phải bà ngoại chăm sóc, nên ở lại luôn đỡ phải chuyển đi chuyển lại nhiều lần.

Cô ấy sinh được một tháng, hai tháng, rồi ba tháng, tuy có cho con về chơi với ông bà nội nhưng không có ý định về hẳn. Cô ấy bảo phụ nữ sau sinh phải kiêng nước, kiêng việc đến 4 tháng cơ, về nhà nội sợ không kiêng được thế, sau này sức khỏe ảnh hưởng. Tôi lại nhượng bộ.

Hết lý do này lý do khác được vợ đưa ra, lý do nào tôi cũng thấy hợp lý và nhượng bộ cho nên bây giờ con tôi tuy đã 3 tuổi mà cả gia đình nhỏ của tôi vẫn ở bên nhà ngoại. Tôi thành “ở rể” bất đắc dĩ. Nhà ngoại từ chỗ không còn coi tôi là “khách” đã đi đến coi thường, xem nhẹ sự có mặt của tôi luôn. Mẹ vợ có tính hay bắt nạt chồng, giờ bà bắt nạt luôn cả chồng của con gái nữa. Cái gì tôi làm không vừa ý là bà mắng tôi như chém chả đến mức tôi tự ái, tự hỏi mình nhiệt tình với việc nhà vợ như thế liệu có đúng không?

Bố mẹ bắt đầu giục giã nên tôi sốt ruột muốn đưa vợ con về. Mẹ tôi bảo tôi dại lắm, con trai Hà Nội có nhà cửa đàng hoàng mà phải chạy sang nhà ngoại ở cảnh như thế. Tôi thấy mẹ nói cũng phải nên quyết bàn với vợ yêu cầu cô ấy về. Mẹ vợ biết chuyện lại mắng tôi như tát nước, bảo tôi không biết thương vợ, thương con, chỗ sướng không muốn cho vợ con ở lại định đưa vợ con vào chỗ khổ. Ơ hay, “vợ con con về nhà con cơ mà, sao mẹ nói chỗ khổ” - tôi cãi lại bà như thế, và rốt cuộc là bà nói xấu không thương tiếc cả bố mẹ đẻ tôi, bắt đầu từ việc vợ tôi chửa mà cho ăn uống kham khổ thế nào…

Đến nước này thì tôi hết chịu nổi. Có phải tôi hiền quá nên mới ra nông nỗi này không?

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.