Gia tăng người trẻ mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân

Gia tăng người trẻ mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân
TP - Tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng “Tự hủy hoại bản thân” có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Phần lớn rơi vào lứa tuổi vị thành niên, thanh niên với những nguyên nhân gây bệnh khiến gia đình bất ngờ.

Hủy hoại bản thân để… tinh thần nhẹ nhõm

Hiện nay Viện đang điều trị cho bệnh nhi N.Th.L (9 tuổi). Cô bé đặc biệt mê chơi trò chơi điện tử. Bố mẹ cấm đoán kịch liệt, tịch thu máy điện thoại khiến bệnh nhi bức xúc, cáu kỉnh và bắt đầu xuất hiện các hành động như tự nhổ tóc đến mức đầu trọc cả mảng to. Ngoài ra trẻ còn có sở thích tự cấu vào chân đến chảy máu. Bố mẹ bệnh nhân nhận thấy những biểu hiện bất thường của con nên tạo mọi điều kiện để trẻ thay đổi bằng cách cho tập yoga, đưa đi ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội. Khi biểu hiện của trẻ có vẻ nặng, gia đình đưa con đến Viện sức khỏe Tâm thần để khám. Tại đây các bác sĩ quan tâm, chăm sóc và cho trẻ uống thuốc nên sau một thời gian trẻ đã bỏ được trò tự dứt tóc, nhưng thi thoảng vẫn cấu chân. Tâm sự với bác sĩ, bệnh nhi cho biết không hề cảm thấy đau khi tự hành hạ bản thân, cô bé thấy thoải mái tinh thần khi hành động như vậy.

Mới đây, Viện cũng điều trị cho nữ sinh viên 21 tuổi mắc hội chứng “Tự hủy hoại bản thân”. Bệnh nhân là con thứ 2 trong gia đình, học rất giỏi và có tham vọng đi du học, nhưng gia đình không có điều kiện để thực hiện. Sẵn buồn chán vì ước mơ không thành, lại thêm bị mẹ nói bỏ ý nghĩ du học đi nên bệnh nhân rất buồn và ức chế. Tâm trạng này kéo dài 2 năm khiến bệnh nhân nảy sinh hành vi thích tự rạch tay. Nữ sinh viên đã có hành vi cắt tay bằng dao lam. Gia đình phát hiện ra và vội vàng đưa con đến bệnh viện điều trị. Khi vào Bệnh viện Bạch Mai trên cổ tay đã có 16 vết cắt, nông, rỉ máu. Bệnh nhân mô tả là mỗi lần cắt tay như vậy mà không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn.

Bệnh diễn ra âm thầm, dần tàn phá cơ thể

TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, nếu trầm cảm sau sinh, động kinh là những bệnh lý về tâm thần tái phát theo đợt và dễ nhận biết thì hội chứng tự làm tổn thương mình lại âm thầm diễn ra và tàn phá cơ thể người bệnh dần dần. Điều đáng tiếc hội chứng này lại thường xảy ra ở giới trẻ. Không được đáp lại tình cảm, bị bố mẹ mắng, đi thi bị điểm kém, đây là những lý do tưởng chừng đơn giản nhưng lại dẫn đến những phản ứng dại dột của rất nhiều bạn trẻ. Nhẹ thì nhịn ăn, không giao tiếp với bên ngoài. Ở mức độ nặng hơn là tự làm đau mình, bằng cách rạch tay, rạch chân. Dù chỉ gây đau đớn tức thời, không gây tử vong ngay lập tức, nhưng những hành vi tự làm đau bản thân vẫn được xếp chung vào nhóm hành vi tự sát.

Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Stress (Viện sức khỏe Tâm thần) cho hay, có một điểm chung là những người thích hành hạ bản thân thường khởi đầu xu hướng bằng những vết bỏng, vết cắt nhỏ bằng dao lam. Họ thực hiện hành vi này và thường không để cho mọi người xung quanh biết, bằng cách thực hiện nó trong phòng tối, phòng ngủ hoặc phòng tắm. Theo một số nghiên cứu, thói quen tự hành xác bản thân sẽ khiến phát sinh các chất gây tê tự nhiên trong cơ thể, giúp bệnh nhân có khả năng tự mình xoa dịu những nỗi đau về mặt tinh thần.

Phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh

Theo TS Phương, việc bắt ép trẻ sống theo cách cha mẹ muốn gây ức chế cho trẻ. Đây là lứa tuổi trẻ muốn gây sự chú ý với xung quanh nên dễ có hành vi dại dột. Nguyên nhân gây bệnh hầu hết bệnh nhân được cho là có rối loạn nhân cách và có thể có các bệnh tâm thần nội sinh như tâm thần phân liệt. Quá cô đơn, căng thẳng là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ dễ mắc bệnh tự hành hạ bản thân. Khi phải chịu những nỗi đau về mặt tinh thần, những người trẻ sẽ thay thế nó bằng nỗi đau thể xác, như là cách để họ thể hiện sự căm ghét bản thân mình hoặc để trút giận.

Khi phát hiện ra một người tự gây thương tích cho bản thân cần đưa họ đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần. Các vết thương của bệnh nhân sẽ được khám và điều trị phối hợp bởi bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Cần tìm ra nguyên nhân gây ra tự thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại.

MỚI - NÓNG