Giấc ngủ trưa của dân văn phòng và những sai lầm thường gặp

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Giấc ngủ trưa rất cần thiết cho con người, đặc biệt là giới văn phòng sau một buổi sáng làm việc căng thẳng trí óc. Nhờ có giấc ngủ trưa, cơ thể mới hết mệt mỏi, phục hồi sức khỏe, tái tạo lại năng lượng, cải thiện trí nhớ, cải thiện tâm trạng, làm tăng cảm giác và sự sáng tạo.

Ngủ trưa nhiều hơn 10 phút

Với giờ giấc của dân văn phòng thì thời gian nghỉ ngơi vào buổi trưa (bao gồm cả giờ ăn trưa) khoảng 1-1,5 tiếng đồng hồ. Vậy giấc ngủ trưa nên chiếm bao nhiêu thời gian trong quỹ thời gian eo hẹp này là hợp lý để đảm bảo cả về công việc lẫn tốt cho sức khỏe. Điều này không phải ai cũng nắm rõ.

Theo phân tích của các chuyên gia sức khỏe, giấc ngủ trưa ngắn có tác dụng tốt hơn là một giấc ngủ trưa quá dài. Hệ quả của giấc ngủ quá lâu khiến chúng ta nhận thấy rõ rệt nhất chính là cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, đờ đẫn… Bởi khi bạn ngủ quá lâu, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu, lúc đó, nếu bị đánh thức hay buộc phải thức dậy, các cơ quan trong cơ thể chưa sẵn sàng làm việc lại.

Với những giấc ngủ trung bình khoảng 30 phút, chúng ta dễ gặp phải triệu chứng trì trệ sau khi ngủ. Đó là lý do tại sao, nhiều người sau giấc ngủ trưa lại cảm thấy mệt mỏi, đờ đẫn hơn so với lúc chưa ngủ.

Một nghiên cứu ở Anh còn chỉ ra rằng: Những người có thói quen ngủ trưa từ 1 tiếng trở lên thường có nguy cơ xuất hiện các bệnh liên quan đến phổi như: viêm phế quản, khí phế thũng và viêm phổi hơn người bình thường. Nghiên cứu này cũng cho thấy, những người lớn có giấc ngủ trưa hàng ngày trên 2,5 tiếng sẽ bị chết bởi bệnh hô hấp nhiều hơn những người khác.

Giấc ngủ trưa tốt nhất chỉ nên kéo dài trong 10 phút, đó là lời khuyên của Ths. Nguyễn Thị Thanh Bình (Khoa Tâm thần kinh, Bệnh Viện Lão khoa Trung ương). Đây là một giải pháp tuyệt vời cho dân công sở khi vừa không tốn thời gian lại vừa giúp minh mẫn, sáng tạo vào buổi chiều. Giấc ngủ ngắn 10 phút được chỉ ra là hiệu quả nhất về mặt giảm buồn ngủ và cải thiện khả năng nhận thức khi so sánh với những giấc ngủ có độ dài khác và những người không ngủ.

Ngủ gục trên bàn làm việc

Sau thói quen không ngủ trưa hoặc ngủ trưa quá lâu, ngủ gục trên bàn cũng được xem là một thói quen nguy hại mà nhân viên văn phòng thường mắc phải.

Ngủ gục trên bàn khiến cơ thể mệt mỏi, đau cổ thường xuyên. Nguyên nhân là do sau bữa ăn, máu dồn xuống dạ dày và ruột, ngủ ở trong tư thế ngồi sẽ khiến cho nhịp tim giảm nhiều, não bị thiếu ôxy, dễ sinh đau đầu, ù tai, chồn chân mỏi gối...

Gục đầu xuống bàn gây chèn ép ngực, ảnh hưởng đến hô hấp, gia tăng áp lực lên tim và phổi, dễ nằm mê. Đầu đè lên hai tay cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và truyền dẫn thần kinh, khiến cho hai bàn tay và cánh tay tế nhức. Mắt tì lên hai tay khiến cho hai nhãn cầu bị đè ép, khi tỉnh dậy sẽ bị nhức mắt một lúc lâu, tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương mắt.

Ngoài ra, sau giờ cơm trưa, dạ dày cần nhiều máu để hỗ trợ tiêu hóa. Thông thường, cơ thể con người cần ít nhất một giờ mới có thể tiêu hóa hết thức ăn trong dạ dày. Kiểu ngủ ngồi gối tay trên bàn làm cho cơ thể bị cong nhiều hơn, dạ dày chịu áp lực lớn, tăng gánh nặng cho nhu động. Từ đó, nó sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho chức năng tiêu hóa, gây ra các chứng đầy bụng, đầy hơi, về lâu dài còn sinh các bệnh đau dạ dày mãn tính.

Các chuyên gia bệnh phụ khoa cũng khuyên rằng phụ nữ tuyệt đối không nên nhoài ra bàn làm việc ngủ vào giờ nghỉ trưa, như vậy sẽ làm hở phần lưng phía gần hông làm lỗ chân lông buông lỏng rất dễ bị khí lạnh xâm nhập.

Cách khắc phục: Tuyệt đối không ngủ gục trên bàn làm việc. Thực tế, cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra một tư thế mẫu nào để ngủ. Tuy nhiên, nằm ngửa là tư thế ngủ được đánh giá tốt nhất (có đến 70-80% dân số ngủ với tư thế này). Vì vậy, bạn có thể tập ngủ trưa với tư thế nằm ngửa, nhưng lưu ý là phải nằm thẳng người, thả lỏng tay chân để cơ bắp nghỉ ngơi và phải thở nhịp nhàng.

Uống cà phê trước khi ngủ trưa

Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy uống một cốc cà phê ngay trước khi đi ngủ có thể góp phần cho một giấc ngủ trưa hoàn hảo. Lý do là cà phê chỉ phát huy tác dụng khoảng 20-30 phút sau khi uống. Vì vậy, bạn sẽ vừa có giấc ngủ trưa với thời lượng hợp lý, vừa thức dậy với tinh thần tỉnh táo bắt đầu buổi làm việc mới.

Ngoài ra, không nên ngủ trưa ngay sau khi ăn cơm xong. Nên vận động nhẹ khoảng 5-10 phút sau rồi hãy đi ngủ, như vậy sẽ tốt hơn cho quá trình tiêu hóa của ruột và dạ dày.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.