Giải đáp 10 thắc mắc thường thấy ở mẹ bầu

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Mang thai lần đầu thường khiến bạn bỡ ngỡ, nhất là khi mỗi người “mách” một kiểu. Chuyên gia sẽ giúp bạn tháo gỡ băn khoăn.

1. Tôi nên khám thai vào những lúc nào?

Bạn nên đi khám thai ngay sau khi chậm kinh một tuần để biết mình có thai không. Trong toàn thai kỳ, bạn nên đi khám ít nhất là 3-4 lần: một lần vào ba tháng đầu, một lần vào ba tháng giữa và một hoặc hai lần vào ba tháng cuối.

Nếu có điều kiện bạn nên đi khám thai nhiều hơn. Những lần khám thai giúp cho bạn biết thai nhi có phát triển bình thường không, và người mẹ có bệnh gì hoặc có khó khăn gì cần phải xử trí không.

Khám thai cũng giúp cho bạn biết mình sẽ đẻ thường hay sẽ cần những can thiệp đặc biệt (như mổ đẻ). Đừng lầm lẫn khám thai tức là siêu âm thai, siêu âm chỉ là một việc có thể có hoặc không trong từng đợt khám.

Khám thai định kỳ cho bạn biết thai nhi có phát triển bình thường hay không. (Ảnh minh họa)
Khám thai định kỳ cho bạn biết thai nhi có phát triển bình thường hay không.

2. Làm cách nào để tôi đỡ mệt mỏi khi mang thai?

Nhiều thai phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng vì đây chỉ là hiện tượng bình thường. Đây là cách thông báo với bạn rằng cơ thể cần được nghỉ ngơi nhiều hơn.

 Bạn nên ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm và chợp mắt một chút vào ban ngày khi có cơ hội. Thời gian mang thai là lúc bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn vì thế nên sắp xếp để giảm tải công việc. Bạn cũng nên tạo thói quen ngủ nghiêng người qua bên trái để làm giảm áp lực đè lên các mạch máu lớn cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.

3. Tôi rất sợ cơn nghén, cách nào giúp tôi vượt qua?

Ốm nghén thường khiến chị em sợ cơm và thức ăn mà trước đây họ rất ưa thích. Nhưng họ lại rất thích ăn vặt và thích ăn những thứ như chua, ngọt... Tất cả những dấu hiệu này là phản ứng mang tính sinh lý, thường chấm dứt khi thai 12 tuần tuổi và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi nên không cần điều trị.

Cũng có một số trường hợp có phản ứng mạnh, kéo dài như nôn nhiều gây mất nước và rối loạn điện giải, thậm chí có thể bị tụt huyết áp, lượng nước tiểu giảm, có dấu hiệu của toan chuyển hóa thì cần phải đến bệnh viện có chuyên khoa sản để được theo dõi và điều trị. Trong trường hợp hay nôn ói, bạn có thể dùng vỏ cam quýt để ngửi, ngậm gừng hoặc uống thêm B6 theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Xoa bụng nhiều sẽ gây hại thai?

Đúng. Trong suốt quá trình mang thai, bà mẹ nên hạn chế âu yếm con bằng cách xoa bụng vì những kích thích như vậy rất có thể gây nên những cơn co dạ con, gây đau bụng và những ảnh hưởng xấu cho thai nhi như dọa sảy thai hoặc đẻ non. Trong trường hợp bạn thấy có cơn co bất thường, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ khám và tư vấn.

5. Ăn trứng ngỗng khi mang thai có tốt không?

Trứng là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao: Cung cấp một lượng đáng kể protein có giá trị sinh học cao (loại protein có chứa các acid amin gần giống và cần thiết cho cơ thể người). Ngoài ra, trứng còn có nhiều vitamin A, D, B2, B6, B12, acid folic, cholin, sắt, canxi, phospho, kali, chất béo, nhất là omega-3.

Các chất dinh dưỡng trên có chủ yếu ở lòng đỏ. Còn lòng trắng chủ yếu có nước và protein. Chính vì vậy, trứng là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho phụ nữ có thai và cho con bú để bảo đảm sức khỏe thai nhi và trẻ sơ sinh. Trong trứng còn có cholin và các acid béo chưa no cần thiết (omega-3) giúp cho quá trình phát triển não bộ của thai nhi và trẻ nhỏ.

Nhiều thai phụ truyền tai nhau là nên ăn trứng ngỗng thì con thông minh. Nhưng chưa có cơ sở khoa học chứng minh điều này và theo nhiều chuyên gia thì không nhất thiết chị em phải chọn trứng ngỗng thay cho các loại trứng gà thông dụng khác.

6. Trong khi mang thai tôi cần tiêm vaccine nào?

Vaccine thai phụ thường phải tiêm khi mang thai là uốn ván. Tiêm vaccine phòng uốn ván hai lần.

Tiêm uốn vãn mũi thứ nhất cần được tiêm càng sớm càng tốt (thường tiêm khi bạn đi khám thai lần thứ nhất). Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ít nhất một tháng và muộn nhất là trước khi sinh một tháng.

Một số thai phụ chưa có miễn dịch viêm gan B mà lại thuộc đối tượng nguy hiểm thì cũng có thể tiêm vaccine viêm gan B.

7. Tôi nghe nói mang thai thì phải kiêng rất nhiều loại thực phẩm, có đúng không?

Bạn không cần kiêng khem quá mức các thực ăn bạn thích. Nhưng ăn thứ gì nhiều một lúc cũng không nên. Những thứ sau đặc biệt không nên ăn nhiều: nhãn, sơn tra, dứa, đu đủ xanh, ngải cứu, rau răm, các loại dưa chua.

Bạn nên uống nhiều nước và ăn đủ thức ăn, đặc biệt là những thức ăn cần thiết (cung cấp năng lượng như: gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mỳ; phát triển cơ thể như: thịt, cá, sữa và trứng; và bảo vệ cơ thể như: hoa quả, rau xanh, gan, cá, trứng).

Thai phụ nên ăn cân đối các loại dinh dưỡng và không nên ăn khi có thai, nhu cầu sắt của người phụ nữ thường cao gấp đôi hoặc gấp ba bình thường, vì vậy phụ nữ có thai thường hay bị thiếu máu. Ðể tránh thiếu máu, bạn cần ăn các loại thức ăn có nhiều chất sắt như: thịt nạc, gan, rau xanh và uống viên sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Điều quan trọng của thai phụ là ăn cân đối các chất dinh dưỡng, chớ không phải ăn nhiều.
Điều quan trọng của thai phụ là ăn cân đối các chất dinh dưỡng, chớ không phải ăn nhiều.

8. Âm đạo tiết nhiều dịch trong thai kỳ có đáng lo ngại không?

Nếu bạn thấy có nhiều khí hư màu trắng đục và hơi đục thì đó là bình thường. Nếu bạn thấy khí hư có màu sắc khác thường hoặc trở nên rất loãng thì cần đi khám bác sĩ ngay.

9. Làm thế nào để biết thai nhi bất thường?

Cách tốt nhất là thai phụ nên tuân thủ đúng lịch khám mà bác sĩ đưa ra. Trong quá trình thăm khám nếu có dấu hiệu bất thường, các bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm căn bản như xét nghiệm máu, nước tiểu, có thể mẹ bầu sẽ bị chỉ định làm thêm 1 số xét nghiệm chuyên sâu khác nếu bác sĩ thấy xuất hiện dấu hiệu cảnh báo rủi ro ở thai nhi như nguy cơ thai dị tật, bị Down, nứt đốt sống, não úng thủy...

Khi có các dấu hiệu sau thì bạn đừng chủ quan: chảy máu âm đạo, ngứa nhiều, huyết áp tăng, phù nề nặng, đau bụng, từ tuần thứ 18 trở đi mà thai nhi không đạp, ít đạp hơn trước đó.

10. Thai phụ thì nên giảm các hoạt động thể lực, vậy tôi có nên tạm ngưng thể dục?

Bạn nên ngừng các hoạt động mang vác nặng vì có thể tác động lên tử cung gây chuyển dạ sớm. Nhưng những vận động nhẹ nhàng thì cần thiết. Vận động thể dục không những trợ giúp cho quá trình sinh đẻ còn có tác dụng làm giảm mỏi lưng, đau đầu, đau vai…

Bơi là loại vận động an toàn, nước có thể làm giảm áp lực tim, cơ thể người mẹ khoẻ lên. Vận động bằng xe đạp tại chỗ cũng là một vận động rất tốt nhưng phải chú ý bảo vệ đốt sống lưng và đầu gối, thời gian tập không quá 30 phút, giữa buổi tập có thể nghỉ ngơi và uống nước bổ sung.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG