Giao lưu trực tuyến: Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Năm 1992, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam thành công, tiếp đó là ghép gan (2004) và ghép tim (2010), những thành công đó đã khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở Việt Nam, chuyên ngành ghép tạng. Đến nay, các bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được nhiều kỹ thuật ghép tạng đạt trình độ cao trên thế giới.
Giao lưu y tế 20/12

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

20/12/2017 13:52

Trong giai đoạn 2011- 2015, các đề tài/dự án thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15) đã ứng dụng, phát triển thành công các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, trong đó có triển khai ghép tạng ở người đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. 

Nhờ có chương trình KC.10, từ năm 2010 ghép tạng Việt Nam cơ bản đã tiếp cận được với ghép tạng thế giới và đến nay đã thực sự theo kịp và tạo bước đột phá cho sự phát triển ghép tạng trong thời gian tới. Các bác sĩ Việt Nam đã thành công trong việc ghép thận, gan, tim, tụy, phổi, ghép đa tạng, ghép từ người cho chết não, ghép từ người cho sống, ghép từ người cho chết tim.

20/12/2017 13:52

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nay, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mãn tính cần được ghép thận; hơn 1.500 người có chỉ định ghép gan; khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý về giác mạc và hơn 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người chờ ghép tim, phổi…

Những người bệnh ấy mỗi ngày vẫn đang phải giành giật sự sống với tử thần và tử vong bất cứ lúc nào nếu không có nguồn tạng hiến. Tuy nhiên, nguồn mô tạng tiếp nhận rất ít và gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc vận động những bệnh nhân chết não, tim ngừng đập hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp và cần được nhân rộng.

20/12/2017 13:52

GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhu cầu ghép mô tạng ở Việt Nam rất lớn nhưng nguồn mô tạng tiếp nhận rất ít và gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: "Nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống nếu có nguồn tạng thích hợp bởi ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối".

20/12/2017 13:53

Theo GS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, kỹ thuật cấy ghép tạng của Việt Nam có thể sánh ngang với các nền y học lớn trên thế giới. Tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam tương đương với thế giới, thậm chí về ghép thận, tỷ lệ kéo dài cuộc sống sau ghép còn cao hơn, thế nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến tạng.

Ngày nào ở Bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy cũng có 2-3 trường hợp chết não có thể cho tạng nhưng suốt 6 năm qua, chỉ khoảng 40 trường hợp gia đình người chết não đồng ý hiến tạng người thân. GS. Trịnh Hồng Sơn chia sẻ: "Người đã chết não thì chắc chắn là chết, không thể sống lại được. Chẩn đoán chết não được quy định cụ thể và các bệnh viện tỉnh đều thực hiện được. Khi đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não có thể hiến bộ phận cơ thể để đem lại cơ hội sống cho người bị bệnh khác. Một người không may mắn chết não có thể cứu sống được 8-10 người".

20/12/2017 13:53

Nhằm giới thiệu những thành tựu đáng tự hào về chuyên ngành ghép tạng của nền y học Việt Nam, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc các Giáo sư, bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được công nghệ ghép tạng thế nào, đồng thời cung cấp thông tin, giúp người dân hiểu biết về Luật hiến tạng, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng, Báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “GHÉP TẠNG - HÀNH TRÌNH NỐI DÀI CUỘC SỐNG” với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người.

Khách mời buổi giao lưu có: PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Thời gian: 14h, thứ Tư, ngày 20/12/2017

20/12/2017 14:19

Giao lưu trực tuyến: Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống ảnh 1 Khách mời buổi giao lưu "Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống"

20/12/2017 14:34

Thưa PGSS. TS Đồng Văn Hệ, sau 25 năm qua kể từ ca ghép thận đầu tiên, ông có thể giải thích rõ hơn rằng trình độ và chi phí ghép tạng của Việt Nam hiện nay so với mặt bằng chung của thế giới như thế nào?

 PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Những ca ghép tạng mà nước ngoài làm được, mình cũng làm được. Ghép khó nhất trong ghép tạng là ghép gan, ở người lớn khó hơn ở trẻ nhỏ. Ghép thận đơn giản nhất. Ghép tim cũng không khó như ghép gan. Chúng ta thành công trong ca ghép gan đầu tiên vào năm 2007.

Đến nay số lượng ca ghép gan là gần 40 ca. Trình độ ghép gan của chúng ta vẫn không thua kém các nước phát triển. Các bệnh viện có thể tiến hành ghép gan là BV Việt Đức, BV 103, BV Chợ Rẫy, BV Nhi Đồng II. Nói chi tiết đến từng ngóc ngách cũng rất khó so sánh với trình độ các quốc gia khác. Nhưng nhìn chung chất lượng ghép tạng của chúng ta không thua kém đáng thể. Vì khó nhất nên chi phí ghép gan là đắt nhất. Ghép gan khoảng 1,5 tỉ đồng. Ghép tim 1 tỉ. Ghép thận 250 đến 300 triệu đồng.

Việc so sánh chi phí ghép tạng của Việt Nam với các nước khác cũng hơi khiên cưỡng. Vì dịch vụ y tế nước ngoài đắt hơn nhiều so với Việt Nam. Ở nước ngoài, tiền công bác sĩ thường cao và tiền vật liệu thay thế thường rẻ. Ở Việt Nam thì ngược lại. Ví dụ, một ca mổ u não ở BV Việt Đức là khoảng 20 triệu đồng, còn ở nước ngoài là 40.000 USD. Về ghép gan, một bác sĩ trong kíp ghép gan sẽ nhận được tiền công chưa quá 500.000 đồng.

20/12/2017 14:37

Bảo hiểm y tế có thể trả cho bao nhiêu phần trăm của một ca ghép tạng (tim, gan thận...)?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Bảo hiểm y tế chi trả một phần vật tư trong quá trình ghép và chi trả một phần tiền thuốc chống thải ghép.

20/12/2017 14:38

Tôi năm nay 28 tuổi, sức khỏe tốt. Em trai tôi mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị, tôi muốn bán một quả thận để lấy tiền chữa trị cho em. Tôi muốn hỏi nếu bán thì bán ở đâu và pháp luật Việt Nam có cho phép mua bán nội tạng không?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:: Luật pháp Việt Nam không cho phép bán nội tạng và chỉ cho phép hiến tự nguyện.

20/12/2017 14:38

Giao lưu trực tuyến: Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống ảnh 2 PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

20/12/2017 14:42

Vì sao có trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người?
Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể ngườiHệ thống hiến tạng gồm: Cơ sở ghép, lấy tạng. Thứ hai là mạng lưới các cơ sở, trung tâm vận động thu gom mô tạng. Giữa các hệ thống có liên lạc với nhau và cần một trung tâm để liên hệ các hệ thống với nhau.

Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức ở mỗi nơi một khác, vận hành sẽ khác. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhằm quản lý, điều phối nguồn mô tạng giữa các bệnh viện với nhau, tiết kiệm nguồn tạng…

20/12/2017 14:43

Ở nước ta, nguồn hiến tạng thiếu như thế nào? Khó khăn trong việc hiến tạng?

Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Hiện nay tất cả các quốc gia đều rơi vào tình cực kì khan hiếm nguồn tạng, mô tạng hiến tặng. Theo một số báo cáo thì thời gian chờ ghép của người Nhật là 14 năm, ở Pháp từ 4-7 năm, châu Âu thì tương tự. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có nghiên cứu hay thống kê cụ thể nào. Nhưng theo số liệu người hiến tạng, bệnh nhân ghép và chờ ghép… thì cực kì khan hiếm.
Có một điều đáng lưu ý là ở Việt Nam khan hiếm cơ cấu vì còn nhiều rào cản về tâm lý, văn hoá, tâm linh.

20/12/2017 14:45

Giao lưu trực tuyến: Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống ảnh 3 Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

20/12/2017 14:46

Khó khăn lớn nhất của việc ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là gì?

  PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Khó khăn lớn nhất của việc ghép tạng ở Việt Nam là thiếu tạng hiến.

 Số người chết não do tai nạn giao thông hàng năm rất nhiều nhưng hiện số người hiến mô tạng vẫn ít ỏi. Theo các ông có phải do việc tuyên truyền của ngành y tế còn hạn chế không?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Chuyện hiến tạng từ người chết não chúng ta mới bắt đầu từ năm 2010. Đây là việc không đơn giản. Riêng ngành Y không thể làm được, cần nhiều Bộ, ban, nganh phối hợp. Nhiều người Việt Nam không muốn mất một phần cơ thể khi qua đời. Để thay đổi quan điểm này không hề dễ dàng. Một số khu vực châu Á làm tốt được là Hàn Quốc, Đài Loan. Còn lại các nước khác đều gặp khó khăn. Kể cả khi người bệnh đồng ý mà người nhà không đồng ý thì cũng rất khó để lấy tạng.

20/12/2017 14:47

Xin ông cho biết Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có chức năng cụ thể thế nào? Cán bộ tại Trung tâm có đủ số lượng để vận động người dân hiến tạng không?
Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, gọi tắt là Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ y tế. Được thành lập theo Quyết định số 2002/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính về việc thành lập Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế. Cơ cấu tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 3049/QĐ-BYT ngày 21/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29/4/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Theo đó, Trung tâm có các chức năng cơ bản sau:
1. Tổ chức thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước.
2. Đào tạo và nghiên cứu khoa học
3. Truyền thông về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người
4. Hợp tác quốc tế
5. Quản lý đơn vị
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ Y Tế.
Việc tuyên truyền, vận động hiến tặng mô tạng là một chức năng quan trọng của Trung tâm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Trung tâm mới chỉ có 1 biên chế chuyên trách về lĩnh vực này. Mặt khác, nguồn kinh phí cũng hết sức eo hẹp, chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng/năm cho tất cả các họat động truyền thông trong phạm vi cả nước nên công tác triển khai còn nhiều khó khăn.

20/12/2017 14:49

Theo ông khó khăn nào thường gặp nhất trong quá trình vận động người hiến mô tạng?

Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Khó khăn thường gặp phải trong quá trình vận động hiến tạng là các rào cản về tâm lý, sự thiếu thông tin của người dân và điều kiện về nhân lực, kinh phí, hệ thống tư vấn tại các cơ sở y tế, địa phương trong cả nước.

20/12/2017 14:50

Nguồn cho thận trong những năm qua chủ yếu từ những người cho còn sống? Việc này có những hạn chế gì?

Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Trong những năm qua nguồn thận ghép chủ yếu là từ người cho sống, tình trạng này có những hạn chế sau: Làm gia tăng số lượng bệnh nhân chờ ghép tiềm năng, vì cả người hiến và người ghép đều phải đổi mặt với khả năng suy giảm chức năng thận và đào thải thận ghép, dẫn đến làm gia tăng theo cấp số nhân số lượng bệnh nhân chờ ghép tiềm năng. Làm tăng chi phí y tế và suy giảm chất lượng sống, chất lượng lao động xã hội và tăng gánh nặng bảo hiểm y tế. Do đó hầu hết các nước đều không khuyến khích việc thúc đẩy hiến tạng từ người cho sống mà tập trung vào việc phát triển hiến, ghép tạng từ người cho chết não.

20/12/2017 14:52

Việt Nam đã thực hiện được bao nhiêu ca ghép tạng? Tính đến nay tạng nào được ghép nhiều nhất? Tạng nào khó ghép và rủi ro cao nhất, thưa ông?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:Hơn 2.400 ca ghép thận, gần 70 ca ghép gan (BV Việt Đức thực hiện 44 ca), ghép tim 20 ca. Những loại ghép khác khá ít, chỉ có vài ca. Ghép gan của người lớn là khó nhất và rủi ro cao nhất.

20/12/2017 14:55

Ông Cao Tiến Sỹ: Khó khăn trong quá trình vận động hiến tạng là các rào cản về tâm lý. CLIP Mạnh Thắng

20/12/2017 14:59

Nguồn cho thận trong những năm qua chủ yếu từ những người cho còn sống? Việc này có những hạn chế gì?

Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:Trong những năm qua nguồn thận ghép chủ yếu là từ người cho sống, tình trạng này có những hạn chế sau Làm gia tăng số lượng bệnh nhân chờ ghép tiềm năng, vì cả người hiến và người ghép đều phải đổi mặt với khả năng suy giảm chức năng thận và đào thải thận ghép, dẫn đến làm gia tăng theo cấp số nhân số lượng bệnh nhân chờ ghép tiềm năng. Làm tăng chi phí y tế và suy giảm chất lượng sống, chất lượng lao động xã hội và tăng gánh nặng bảo hiểm y tế. Do đó hầu hết các nước đều không khuyến khích việc thúc đẩy hiến tạng từ người cho sống mà tập trung vào việc phát triển hiến, ghép tạng từ người cho chết não.

20/12/2017 15:00

Chúng ta có sử dụng bộ phận cơ thể người bị tử hình để ghép cho bệnh nhân không?

Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:Cho đến hiện nay chúng ta chưa thực hiện việc sử dụng bộ phận cơ thể người bị tử hình để ghép cho bệnh nhân, vì các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, về mặt kỹ thuật người bị tử hình là người chết ngưng tim. Hiện nay, việc ghép tạng thường quy ở nước ta mới thực hiện được trên người cho sống và người cho chết não. Ghép tạng từ người cho chết ngưng tim mới chỉ thực hiện trong khuôn khổ thực nghiệm khoa học. Do đó, việc lấy tạng từ những người qua đời trong trạng thái chết tuần hoàn để ghép thường quy trên diện rộng chưa thể tiến hành được.
Thứ hai, về mặt pháp lý, tuy Luật thi hành án hình sự 2010 không cấm việc người bị tử hình và gia đình đề nghị được hiến tạng sau khi chết, nhưng hiện tại chưa có hướng dẫn thi hành cụ thể nên chưa thể triển khai. Mặt khác số tử tù bày tỏ nguyện vọng muốn được hiến tạng sau khi qua đời còn rất ít ỏi, trong những năm qua Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia mới ghi nhận được 2 trường hợp đăng ký nên cũng chưa đủ để kiến nghị chính sách với Bộ y tế và các Bộ ngành liên quan.

20/12/2017 15:01

Giao lưu trực tuyến: Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống ảnh 4 PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Trường hợp nào bị cấm hiến, lấy, ghép tạng?
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:Về khía cạnh pháp lý, Luật pháp Việt Nam không cho phép lấy tạng ở người dưới 18 tuổi. Về khía cạnh chuyên môn, không nên lấy tạng của người sau 60 tuổi.
Một số người có một số bệnh không nên lấy tạng ghép cho người khác. Ví dụ: bệnh nhân ung thư ta không lấy được tạng. Lấy thận của bệnh nhân ung thư gan để ghép cho người khác thì có rủi ro, vì có thể trong thận họ cũng có tế bào ung thư. Bệnh nhân bị HIV vẫn có thể lấy tạng để ghép tạng cho người bị HIV.
Một số người bị suy nhiều bộ phận quá cũng không nên lấy. Ví dụ một người đàn ông 26 tuổi chết não, chúng tôi định lấy thận và gan để ghép, nhưng kiểm tra thì gan hỏng hết vì người này uống quá nhiều rượu nên không thể dùng tạng của người này để ghép.

20/12/2017 15:04

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Về khía cạnh chuyên môn, không nên lấy tạng của người sau 60 tuổi. CLIP Mạnh Thắng.

20/12/2017 15:07

Người hiến mô, tạng sẽ được những quyền lợi gì, thưa ông Sỹ? -

Quyền lợi của người hiến tạng sống được quy định tại Điều 17, Luật hiến, lấy, ghép mô tạng và hiến lấy xác 2006.

Cụ thể. 1. Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế. 2. Người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây: a) Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; b) Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; c) Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; d) Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. - Người hiến tạng sau khi chết não được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hiện nay, theo tinh thần của Dự thảo Thông tư của Bộ tài chính về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác. Người hiến tạng sống được hưởng các quyền lợi cụ thể - Được bảo đảm chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám sức khỏe định kỳ do cơ quan có thẩm quyền ban hành. - Được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp người bệnh ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp người bệnh phải nhập viện được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) - Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ. - Được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. - Trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người mà mắc các bệnh phải khám, điều trị thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Người hiến tạng sau khi chết não được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và được hưởng chế độ mai táng phí, cụ thể. - Thân nhân của người hiến hoặc cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến (trong trường hợp người hiến không có thân nhân) được hỗ trợ kinh phí để tổ chức tang lễ và mai táng di hài bằng 10 lần mức lương cơ sở.

20/12/2017 15:09

Mỗi năm bệnh viện Việt Đức thực hiện bao nhiêu ca ghép tim? Hiện nay những bệnh nhân được ghép tim có sức khỏe thế nào thưa ông Hệ?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:: Đến nay, bệnh viện Việt Đức thực hiện được 14 ca ghép tim (trên tổng số 20 ca trên cả nước). Số lượng ca phụ thuộc vào người hiến. Những người chờ ghép tim thì rất nhiều, có những người chờ không được một tuần, có người chờ được vài tháng, còn để chờ được vài năm là rất khó. Chờ lâu thì chỉ có thể là bệnh nhân ghép thận. Họ có thể sống thêm vài năm nhờ chạy thận. Còn ghép gan và tim thì khó hơn.

20/12/2017 15:11

Trong tương lai gần, các chuyên gia ghép tạng Việt Nam có thể đưa ghép phổi trở thành thường quy được không? Ghép phổi có khó khăn gì mà mới được triển khai tại Việt Nam trong khi các nước khác đã ghép khá lâu rồi?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới được thực hiện năm 1967. Đến năm 2010, Việt Nam mới lần đầu thực hiện ghép tim thành công. Ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới là vào năm 1987. Còn Việt Nam gần đây mới thực hiện ca ghép phổi đầu tiên. Đây là xu hướng chung, Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ghép phổi kĩ thuật không khó, nhưng để phổi tồn tại và hoạt động tốt thì rất khó.

20/12/2017 15:15

Giao lưu trực tuyến: Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống ảnh 5 Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Một người bình thường có thể hiến những bộ, phận nào?

Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Một người khỏe mạnh bình thường, lúc còn sống có thể hiến 1 quả thận hoặc 1 phần lá gan. Người chết não có thể hiến tất cả các mô, tạng, gân, cơ, xương, sụn, giác mạc…

20/12/2017 15:16

Xin ông cho biết người ghép tạng có nguy cơ bị mắc bệnh gì sau ghép tạng lạ vào cơ thể?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Ngoài nguy cơ thải ghép thì không có bệnh gì. Còn nguy cơ gây ra do quá trình phẫu thuật thì ghép tạng cũng như các loại phẫu thuật khác.

20/12/2017 15:16

Người ghép tạng có bị giảm tuổi thọ không thưa ông? 

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Người được ghép tạng sống lâu hơn so với người có bệnh mà không được ghép.

20/12/2017 15:17

Nguy cơ thải ghép sau 5 năm ghép tạng là bao nhiêu phần trăm?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Nguy cơ thải ghép sau ghép gan là cao nhất, khoảng trên 20%, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

20/12/2017 15:18

Người sống hiến tạng có gặp rủi ro gì về sức khỏe không, thưa ông?

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Chỉ một số ít người sống mới có thể hiến tạng. Ví dụ để hiến tim thì phải là người chết não. Người sống có thể hiến một quả thận, một phần gan. Về khoa học, những người hiến một phần không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

20/12/2017 15:33

Giao lưu trực tuyến: Ghép tạng - Hành trình nối dài cuộc sống ảnh 6 PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Chương trình KC.10/11-15: Ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong y học

Trong giai đoạn 2011- 2015, các đề tài/dự án thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15) đã ứng dụng, phát triển thành công các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong y học, trong đó đáng chú ý có việc triển khai ghép tạng thành công ở người, đó là ghép thận, gan, tim, tụy, phổi, ghép đa tạng, ghép từ người cho chết não, ghép từ người cho sống, ghép từ người cho chết tim…

Nhờ có chương trình KC.10, từ năm 2010 ghép tạng Việt Nam cơ bản đã tiếp cận được với ghép tạng thế giới và đến nay đã thực sự theo kịp với ghép tạng thế giới và tạo bước đột phá cho sự phát triển ghép tạng trong thời gian tới.

Chương trình KC.10/11-15 đã nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật công nghệ y học tiên tiến, thực hiện được các nội dung và mục tiêu của chương trình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời nâng cao trình độ KH&CN y dược trong nước, đưa trình độ y học nước ta theo kịp các nước trên thế giới.

Có thể nói, KC.10 là chương trình thành công nhất trong các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước. Thành công này là niềm tự hào của khoa học Việt Nam, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y dược.

MỚI - NÓNG