Hà Nội có gần 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết

TP - Hai tuần gần đây, khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E, Hà Nội) trung bình mỗi ngày khám cho hơn 80 trường hợp mắc SXH, trong đó có từ 25-30 trường hợp phải nhập viện.

 Bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, cao điểm ngày 24/7, số ca SXH điều trị tại khoa lên đến 80 người. Bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 22/7 trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp. Bệnh nhân có SXH bội nhiễm. 

Hiện khoa đang theo dõi và điều trị cho 66 bệnh nhân mắc SXH. So với những đợt dịch của các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc SXH năm nay có thể tăng gấp 2-3 lần. Bác sĩ Hạnh cho biết, qua điều trị thực tế cho thấy, các tình trạng biến chứng của bệnh nhân SXH gồm ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao (phụ thuộc vào thể SXH nặng hay nhẹ)…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, ngành y tế Hà Nội đã ghi nhận 984 ổ dịch thì đến thời điểm hiện tại đã có 789 ổ dịch được khống chế. Những quận huyện Hà Nội có tỷ lệ người mắc SXH cao như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Xuân, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai…

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, biện pháp phòng chống SXH chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy. Tuy nhiên, ông Phu nhận định:  “Người dân đang rất chủ quan với bệnh, luôn cảm thấy đơn giản, vô can. Nhưng nếu bị SXH, bạn có thể tốn hàng triệu đồng điều trị. Có người đã tốn gần 30 triệu viện phí vì điều trị SXH, thậm chí số tiền còn lớn hơn nếu như xuất huyết não, xuất huyết nội tạng. Đã có 17 người tử vong vì căn bệnh mà nhiều người vẫn chủ quan này”.

Tại Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một số bệnh nhân là sản phụ, có thai hoặc sau sinh mắc bệnh này. TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa cho biết, nếu thai phụ bị SXH thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì bệnh khó điều trị hơn so với người bình thường.

Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị SXH có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

Sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết khiến bệnh nặng hơn

Đã có 7 trường hợp tử vong do SXH gây nên sau khi vào điều trị tại BV Nhi đồng 1 TPHCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, từ đầu năm đến nay. Thông tin được TS- BS Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng khoa SXH BV Nhi đồng 1 cho biết chiều qua.

Trong đó,  bệnh viện Nhi Đồng 1 có 3 trẻ em tử vong, bệnh viện Nhiệt đới TPHCM có 4 ca tử vong với biến chứng dẫn đến sốc nặng, suy đa tạng… Tình trạng sốt xuất huyết có thiên hướng tăng ở người lớn và bác sĩ cho rằng nhiều sai lầm khi điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, trong tháng 6 – 7 vừa qua, số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng cao (khoảng 80-90 ca/tuần) gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng ca bị biến chứng cũng tăng cao, trung bình từ 8-10 ca/tuần.

Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhập gần 2.000 ca sốt xuất huyết. Ghi nhận trong ngày 25/7, có đến 110 bệnh nhi đang được điều trị tại đây, trong đó có 9 ca nặng, có dấu hiệu bị sốc.

Bác sĩ Tuấn cho biết việc phụ huynh tuỳ tiện dùng thuốc hạ sốt cho trẻ gây mất khả năng phát hiện sốt xuất huyết; một số loại thuốc hạ sốt quá mạnh có thể gây xuất huyết tiêu hoá, tổn thương gan. “Tránh ăn những đồ ăn có màu nâu, đen để khi bệnh nhân ói có thể phán đoán được xuất huyết tiêu hoá…”- bác sĩ Tuấn khuyên.

Muỗi đốt truyền bệnh SXH là loại muỗi vằn khoang trắng, khoang đen, thường đốt người từ 8 – 10 giờ sáng. Đây cũng là loại muỗi ưa sạch, chỉ đẻ trứng trong vùng nước đọng sạch nên mối nguy SXH tiềm ẩn ngay xung quanh các hộ gia đình khi có các bể, các dụng cụ chứa nước đọng lộ thiên.

MỚI - NÓNG