Hà Nội: Kiến ba khoang lại tấn công nhà dân

TP - Theo chuyên gia về côn trùng học, thời điểm tháng 6 hàng năm, sau vụ thu hoạch lúa, nguy cơ kiến ba khoang xuất hiện trong nhà dân khá cao. Chất độc của kiến ba khoang có thể gây tổn thương nghiêm trọng ở vùng da tiếp xúc.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang, khu tập thể 918, phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội mấy hôm nay xuất hiện nhiều kiến ba khoang. “Tối qua, mình bắt được mấy chục con. Hai vợ chồng đang tính mua lưới chống côn trùng”, chị Trang kể. Nhà anh Lê Anh Dũng ở khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự, kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào buổi tối, nhất là khu vực đèn bàn làm việc. “Bé nhà mình bị dính nọc độc của kiến ba khoang, phồng rộp ở cánh tay, ba ngày nay chưa khỏi”, anh Dũng kể.

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kiến ba khoang ưa khí hậu ẩm, thường sống trên cánh đồng, cây mục, công trình xây dựng.

Vì vậy, khu chung cư, nhà ven cánh đồng thường xuất hiện kiến ba khoang. Vào tháng 6 và tháng 10 hàng năm, sau mùa thu hoạch lúa, kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư nhiều hơn. Kiến ba khoang có tập tính hướng sáng nên hay xuất hiện ở khu vực ánh đèn. Người làm việc văn phòng, học sinh có nguy cơ bị tấn công nhiều hơn.

Cũng theo PGS Lam, kiến ba khoang không chủ động tấn công người nhưng khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính được tiết ra và trực tiếp thấm vào da. Dưới bụng của kiến ba khoang có 2 tuyến độc chứa chất Pederin. Theo tài liệu quốc tế, Pederin độc gấp 10 lần chất độc của rắn hổ mang. Tuy nhiên, do lượng độc ít và tiếp xúc trên da nên kiến ba khoang chỉ gây ngứa rát, nặng hơn là phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụn nước.

Theo thông tin của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng da hở như cổ, mặt, lưng, tay, chân. Kiến ba khoang có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da.

Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm, từ 1-3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ.

Lúc này cảm giác đau, rát càng tăng, có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau. Tuy nhiên, cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày, không thành phỏng.

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, để hạn chế kiến ba khoang, nên dùng lưới ở cửa sổ và cửa ra vào, ngủ trong màn, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà. Trường hợp thấy kiến ba khoang trên người tuyệt đối không chà xát vì chất độc trên bụng kiến sẽ gây tổn thương da.

Tìm cách nhẹ nhàng đưa kiến ra khỏi vùng da tiếp xúc sau đó rửa sạch vùng da này.  Trường hợp dính độc tố của kiến ba khoang cần rửa sạch bằng cồn 70o, sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.

MỚI - NÓNG