Hậu quả khôn lường vì không khám sức khỏe sau sinh

Hãy theo dõi sức khỏe cẩn thận để mẹ và bé luôn khỏe mạnh
Hãy theo dõi sức khỏe cẩn thận để mẹ và bé luôn khỏe mạnh
Việc khám sức khỏe sau sinh hầu như chưa được nhiều sản phụ và gia đình coi trọng. Sự chủ quan đó chính là nguyên nhân dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng và khả năng sinh sản của chị em trong tương lai…

Có nhiều biểu hiện bất thường vẫn ngại đi khám

Sinh con đã hơn 2 tháng, Mai Trang (TP. Nam Định) vẫn thấy ra sản dịch màu vàng nhầy, có mùi hôi, thỉnh thoảng lại kèm theo triệu chứng lâm râm đau bụng…  nhưng cô vẫn “bình chân như vại”. Mẹ đẻ Mai Trang thấy con gái da dẻ xanh xao, người gầy rộc liền sang nhà bà lang ở xã bên cắt mấy thang thuốc bắc về sắc cho uống. Rồi hễ nghe ai mách có loại củ nọ, lá kia chữa chứng sản mòn bà lại cặm cụi tìm bằng được về chế biến cho con gái. Chỉ đến khi bị sốt cao, tim đập nhanh, người mệt mỏi rã rời, Mai Trang mới được người thân đưa vào viện cấp cứu. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, cô gái trẻ 25 tuổi này được các bác sĩ chuyên khoa kết luận bị viêm màng bụng khá nghiêm trọng. Điều đáng tiếc là nguyên nhân được xác định do viêm đường sinh dục sau sinh nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời đã gây nên biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của Mai Trang.

“Mẹ tròn con vuông” hôm trước thì hôm sau Mai Trang nằng nặc xin xuất viện về nhà cho thoải mái dù bác sĩ khuyến cáo nên ở lại để theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé. Cô cũng bỏ ngoài tai luôn cả lời căn dặn của bác sĩ “6 tuần sau sinh nên đến khám hậu sản” vì cho rằng phiền phức, mất thời gian. Khi “vùng kín” nổi mụn, ngứa ngáy khó chịu, Mai Trang tự ý mua dung dịch vệ sinh về dùng. Nhiều lần cô còn dùng nước muối thụt rửa sâu vì nghĩ rằng muối có tác dụng diệt khuẩn cao. Tuy nhiên hiện tượng ngứa chỉ giảm ngay lúc đó chứ không dứt hẳn, thậm chí sản dịch còn tiết ra ngày một nhiều và nặng mùi hơn. Vậy nhưng, phần vì thiếu kinh nghiệm, phần vì ngại ngùng, Mai Trang cứ âm thầm chịu đựng và loay hoay với những cách vệ sinh mà cô học được từ trên mạng. Cho tới lúc nằm điều trị trong bệnh viện vừa tốn kém tiền của lại khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ, Mai Trang mới thở dài tự trách nông nổi…

“Tình trạng chị em xem nhẹ việc khám hậu sản như Mai Trang khá phổ biến trong thực tế. Không chỉ những sản phụ ở nông thôn, trình độ nhận thức thấp, ở xa bệnh viện, điều kiện kinh tế khó khăn, ít tuổi, mà ngay cả các cô, các chị ở thành phố, học vấn cao cũng mắc phải. Đa phần, chỉ khi có những bất thường về sức khỏe không thể chịu đựng thêm được như: sốt cao, ngất xỉu, chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội… họ mới chịu đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa. Bởi vậy, quá trình điều trị thường kéo dài và rất dễ để lại những di chứng về sau”- Bác sĩ Nguyễn Trọng Khang, Trưởng khoa Sản - Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Liêm, Hà Nam nhận định.

Cũng theo ông Khang, phụ nữ sau ca “vượt cạn” hao tổn nhiều sức lực, lại phải thức khuya dậy sớm chăm con nên sức đề kháng giảm sút, bộ phận sinh dục bị tổn thương khiến vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Những căn bệnh thời kì hậu sản (sản mòn, sa tử cung, viêm màng bụng, viêm tổ chức mô tế bào vùng chậu…) giai đoạn đầu thường diễn biến âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng, chị em rất dễ chủ quan. Việc chị em tự phán đoán rồi mua thuốc về điều trị dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, cơ thể kháng thuốc và những biến chứng nguy hiểm khôn lường. “Khám hậu sản chỉ thực sự hiệu quả khi sản phụ ý thức được tầm quan trọng của nó và chủ động thực hiện”- Bác sĩ Khang nhấn mạnh.

Khám sức khỏe sau sinh thế nào cho đúng?

Khám sức khỏe sau sinh chính là kiểm tra tổng thể những thay đổi của cơ thể  trong quá trình mang thai và sinh con đã hồi phục về trạng thái bình thường hay chưa. Thời điểm khám được khuyến cáo tốt nhất là 6 tuần sau khi sinh bởi dù sinh thường hay sinh mổ thì thời gian này sản phụ cũng đã hồi phục.

Đối với những sản phụ có các biểu hiện bất thường (bị ngất, bất tỉnh, ra nhiều máu, sốt cao, đau bụng dữ dội, bị nôn ói kèm tiêu chảy, sản dịch có mùi hôi, vết mổ ở bụng hoặc vết khâu tầng sinh môn sưng tấy, bưng mủ, tiểu buốt, mạch đập nhanh kèm hoa mắt, chóng mặt…) thì cần đi khám ngay để được phát hiện và điều trị sớm các chứng bệnh hậu sản.

Những sản phụ có tiền sử bệnh nguy hiểm (tim mạch, gan, cường tuyến giáp, lao…) hoặc mắc bệnh trong thai kì như: tiền sản giật, cao huyết áp, tiểu đường… cần tuân thủ nghiêm ngặt việc khám hậu sản và nếu sức khỏe không thể hồi phục bình thường thì phải có phương pháp điều trị thích hợp để tránh bệnh kéo dài khó kiểm soát, chữa trị. Với những chị em không thấy có dấu hiệu bất thường cũng nên đi khám để chắc chắn rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh sau sinh.

Quy trình khám hậu sản khá tỉ mỉ nên để bảo đảm độ chính xác sản phụ nên đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa uy tín. Bước đầu tiên thường là xét nghiệm sinh hóa và huyết học, đo huyết áp để kiểm tra xem thể trạng sản phụ đã phục hồi hoàn toàn chưa. Tiếp đến là khám vú và hai đầu núm vú xem sản phụ có bị tắc tuyến sữa và nguồn sữa có đảm bảo không. Thông qua đó, có thể điều trị sớm tắc tia sữa để ngăn chặn áp xe vú, ung thư vú. Bác sĩ có thể tư vấn cho chị em cách chăm sóc ngực nhằm hạn chế tình trạng ngực chảy sệ trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Sau khám vú, thường là khám bụng và đáy chậu.

Nếu sinh thường, quá trình sinh phải rạch tầng sinh môn thì bác sĩ khám đáy chậu để kiểm tra vết rạch đã khô và lành chưa. Nếu sinh mổ, bác sĩ kiểm tra vết mổ có bị nhiễm trùng hoặc để lại sẹo không. Tiếp đến, bác sĩ thực hiện khám âm đạo xem có triệu chứng viêm nhiễm không, đồng thời kiểm tra xem tử cung đã bình phục như trạng thái bình thường chưa, sản phụ có bị sa tử cung, u tử cung hay không. Cuối cùng, bác sĩ thường kiểm tra sản dịch và đưa ra kết luận tổng thể về sức khỏe sản phụ. Nếu có những bất thường cần phải can thiệp ngay, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp (yêu cầu nhập viện hoặc kê đơn thuốc để sản phụ về nhà uống)…

Không chỉ kiểm tra thể chất, bác sĩ còn nắm bắt tinh thần của sản phụ nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh, đồng thời tư vấn về những vấn đề sản phụ băn khoăn như: chế độ dinh dưỡng hợp lý, cách chăm sóc em bé,  phục hồi vóc dáng,  kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là chuyện sinh hoạt chăn gối và biện pháp tránh thai phù hợp. Đó chính là sự tư vấn khoa học và hiệu quả nhất, góp phần giải tỏa những lo lắng, muộn phiền của sản phụ để họ có đời sống tâm lý thoải mái, đồng thời giúp họ tích lũy những kiến thức thiết thực trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của bản thân và chăm sóc con cái.

Theo Theo Giáo dục Việt Nam
MỚI - NÓNG