Hoang mang sau khi đạp phải kim tiêm

Ảnh minh họa: tinmoi.
Ảnh minh họa: tinmoi.
Năm ngoái tôi bất cẩn đạp phải kim tiêm và bị đầu kim đâm qua da. Khi ấy, kim tiêm đã bị uốn cong và bên trong không có máu, chỉ toàn rêu xanh.

Tôi đã sơ cứu nặn máu và rửa xà phòng, sau đó đến trạm y tế kiểm tra. Kết quả là không sao. Đến nay sau gần một năm, tôi vẫn hoang mang và lo lắng. Xin bác sĩ cho biết về khả năng tồn tại của virus HIV trong điều kiện như trên? (Toan).

Trả lời:

Chào anh,

Thắc mắc liên quan đến sự tồn tại của virus HIV bên ngoài cơ thể người luôn hiện diện khi mỗi chúng ta khi trong một tình huống vô tình nào đó có tiếp xúc với các chất dịch nghi ngờ như máu, dịch tiết sinh dục. Sự băn khoăn, lo ngại của anh về khả năng lây nhiễm thường kéo theo rất nhiều hoang mang, lo lắng và bất an, thậm chí kéo dài đến nhiều tháng sau đó.

Điều quan trọng tôi muốn anh lưu ý rằng bất kể HIV có thể sống một khoảng thời gian nào đó bên ngoài cơ thể, điều đó không đồng nghĩa với khả năng lây nhiễm của virus sẽ được duy trì trong suốt thời gian ấy. Nói một cách đơn giản, khi ra khỏi cơ thể người, virus HIV không chỉ chết dần đi dưới sự khắc nghiệt của môi trường bên ngoài cơ thể (vốn không thuận lợi với chúng) mà khả năng gây ra lây nhiễm cũng nhanh chóng mất đi.

Về khả năng tồn tại của virus trong đầu kim tiêm: HIV có thể sống vài giờ đến khoảng 4 tuần sau đó nếu gặp những điều kiện thuận lợi như lượng máu còn trong kim, nhiệt độ, độ pH, ánh sáng và độ ẩm phù hợp. Ở nhiệt độ trung bình của Việt Nam từ 27 đến 37°C, người ta không phát hiện sự tồn tại của HIV sau khoảng 7 ngày (theo một nghiên cứu đánh giá khả năng sống sót của virus này trong ống kim tiêm dưới những điều kiện khác nhau).

Trong truyền thông giảm tác hại của HIV, các nhà khoa học cũng lưu ý đến mốc thời gian 7 ngày, đồng thời đưa ra khái niệm “an toàn” cho kim tiêm và các trường hợp bị kim đâm. Cụ thể, nếu bị đâm bởi kim mới: Quan sát thấy còn mới, đầu kim còn sáng (ánh kim), hay mới được sử dụng, kim tiêm ở các khu vực có người tiêm chích đang hoạt động, khả năng phơi nhiễm HIV được đặt ra. Trái lại, nếu kim tiêm đã cũ: Đầu kim rỉ sét, bám rong rêu, bụi bẩn, ở các vùng không có người tiêm chích đang hoạt động, kim tiêm không có máu. Lúc này, nguy cơ lây nhiễm đã giảm đi rất nhiều, tạm được coi là an toàn.

Trường hợp của anh, kim tiêm đã bám rong rêu, chứng tỏ nó đã phơi mình trong môi trường rất lâu, khả năng lây nhiễm HIV đã gần như không còn. Khi đó, người bị đâm kim cần quan tâm đến nguy cơ uốn ván nhiều hơn là HIV.

Trong trường hợp kim tiêm còn mới theo mô tả bên trên, anh có thể tham khảo thêm cách xử trí khi bị kim tiêm đâm. Bao gồm xử trí tại chỗ (không nặn máu như anh đã làm), vệ sinh sát trùng vết thương, tìm đến với cơ sở y tế để nhận được can thiệp phù hợp.

Để giải tỏa lo ngại, anh hãy tham gia xét nghiệm kiểm tra. Việc này càng có ý nghĩa nếu như anh chưa từng làm xét nghiệm HIV trước đây.

Thân ái.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG