Khổ tâm vì hi sinh cho gia đình nhưng vẫn bị chồng coi thường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tôi từ bỏ cả việc đi học ở nước ngoài để ở nhà bên anh và con, bỏ công việc mình yêu thích nhất để nhận làm một công việc có mức lương cao. Vậy mà dường như anh không biết trân trọng những gì tôi làm.

Tôi và anh lấy nhau được gần năm năm, có hai con. Anh yêu tôi là người đầu tiên rồi sau đó cưới. Tôi cũng không trải qua nhiều mối tình trước khi đến với anh, bị anh chinh phục bởi sự chân thành. Gia đình anh không giàu có, từng phản đối tôi kịch liệt khi anh đưa tôi về nhà vì tôi khô khan, nhỏ bé, nhà nghèo và không xinh trong khi anh khá đẹp trai. Học thức của tôi tốt hơn anh do tôi muốn học để cố gắng thoát khỏi cảnh cơ cực phải làm ruộng. Cả nhà anh đã dựng chuyện nói xấu, quyết không cho tôi bước chân vào nhà anh, nhưng anh đã nói nếu không lấy được tôi anh sẽ bỏ và mang tôi theo anh. Chính điều đó làm tôi tin anh yêu tôi.

Tôi là típ người sống nội tâm, luôn đặt gia đình, cha mẹ và con cái lên đầu. Còn anh là người của xã hội, luôn nhiệt tình với bạn bè, nhiều khi trở nên vô tâm với gia đình. Tôi biết vì yêu tôi anh đã bớt tụ tập bạn bè, thường xuyên ở nhà với gia đình. Tôi đi làm cả ngày, anh làm nhà nước có nhiều thời gian hơn nên giúp tôi giặt giũ, nấu nướng và đưa con đi học. Tôi cũng cảm nhận được tình yêu của anh qua những chia sẻ trong cuộc sống anh dành cho mình. Anh luôn nói với tôi rằng kiếp này, kiếp sau anh vẫn muốn sống bên tôi, rằng anh yêu tôi rất nhiều.

Trong cách suy nghĩ và xử sự chúng tôi lại khác nhau quá, vợ chồng không thể nói chuyện với nhau quá năm phút về hầu hết các chủ đề. Tôi chỉ nói “Ngày mai em xin nghỉ ở nhà trông con nhé", anh lại bảo “Thế nhà này hết người rồi sao mà em lắm chuyện, quan trọng hóa vấn đề như vậy”. Hoặc đơn giản tôi lo và nhắc anh nhớ mua thêm cho mẹ ít đồ nếu đi chợ, anh bảo “Mẹ không cần, em lắm chuyện”. Tôi là người ưa nhẹ nhàng, tình cảm và muốn làm gì đó tốt nhất cho người khác, thực sự không hiểu anh đang nghĩ gì.

Tôi đi làm khá mệt nên mong muốn được về nhà bên gia đình bình yên của mình. Những ngày nghỉ tôi muốn dành thời gian cho chồng con bởi bản thân luôn cảm thấy có lỗi vì quỹ thời gian của tôi có quá ít cho gia đình. Tôi cũng muốn đi làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế với anh, cố gắng quan tâm tới mẹ chồng nhiều nhất dù bà từng làm tôi khổ sở. Vậy mà hình như anh không hiểu điều đó, bỏ qua những nhỏ nhặt của cuộc sống đời thường mà tôi đã cố gắng tạo dựng cho anh và gia đình.

Nhiều lúc tôi tủi thân ngồi khóc một mình khi anh nói “Em quá ky bo” lúc tôi đang nhịn chi tiêu để dành ra một chút tiền cho con. Tôi từ bỏ cả việc đi học ở nước ngoài để ở nhà bên anh và con, bỏ công việc mình yêu thích nhất để nhận làm một công việc có mức lương cao hơn, có đủ tiền trang trải cho gia đình. Trước đây, gia đình tôi đã rất éo le nên lúc nào bản thân cũng mong có một bờ vai vững chắc để nương tựa.

Tôi cảm thấy những gì mình đang hy sinh cho anh và gia đình bị coi thường, dường như anh không biết trân trọng những gì tôi làm cho anh. Tôi có cảm giác anh đang khinh thường và ngột ngạt khi sống bên tôi. Tôi hỏi anh lại bảo không nghĩ như vậy nhưng vẫn tiếp tục những câu nói làm tôi thấy đau khổ, buồn phiền. Tôi muốn được chồng thừa nhận những gì mình đang làm, được trân trọng, yêu thương. Trong đầu tôi từng lóe lên ý nghĩ sẽ tìm một người đàn ông khác nhưng chợt hiểu rằng có lẽ ai cũng vậy cả thôi, số mình không tốt thì sẽ mãi không tốt.

Có phải chúng tôi khác nhau như vậy thì sẽ không thể sống với nhau? Nhiều lúc tôi vô cùng buồn phiền vì những lời nói của anh dù biết anh chỉ vô tâm thôi. Tôi đã nhiều lần chia sẻ để anh thay đổi nhưng vẫn đâu đóng đấy, cảm thấy mình không thể tiếp tục cuộc hôn nhân này vì sự khác nhau đó.

Liệu sự khắc khẩu và khác nhau trong hành xử có thể là rào cản lớn nhất trong cuộc sống của tôi? Việc chia tay thật sự sẽ là tổn thương rất lớn cho hai con tôi nhưng nếu tiếp tục cuộc sống như vậy tôi sẽ rất buồn phiền khi mỗi ngày phải nghe những lời nói vô tâm của anh. Xin hãy cho tôi một lời khuyên.

Hòa

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".