Không khống chế số phòng dịch vụ tại bệnh viện công

Nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại nên cần các loại khám chữa bệnh chất lượng cao. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại nên cần các loại khám chữa bệnh chất lượng cao. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế quy định giường bệnh có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày. Một số ý kiến cho rằng mức giá này đắt ngang khách sạn hạng sang. Tuy nhiên đại diện Bộ Y tế khẳng định, sẽ không khống chế các bệnh viện công xây dựng phòng dịch vụ. 

Tham vọng “hút” bệnh nhân

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại 1, giường điều trị nội khoa…. chứ không phải 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng.

Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính thừa nhận, bệnh viện tư hút rất nhiều bệnh nhân vì có cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người bệnh, thêm nữa lại mời được nhiều bác sĩ giỏi ở bệnh viện công khám, mổ và điều trị.

Một thực tế là các bệnh viện công có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên nhiều bệnh nhân phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Theo ông Liên, ngày càng nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao. Bộ Y tế tính toán, chỉ cần “nắm” được một nửa số bệnh nhân ra nước ngoài cũng đã thu được hơn 20.000 tỷ đồng.

Không có bệnh nhân nằm ghép mới được mở phòng dịch vụ

Nhiều ý kiến lo ngại, với thông tư này các bệnh viện sẽ lạm thu, tận thu. Ông Nam Liên nhận định, điều này không thể xảy ra vì có những cơ chế giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được khám chữa bệnh theo yêu cầu. Trả lời câu hỏi có nên khống chế tỷ lệ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và khám chữa bệnh theo dịch vụ, vì hiện tại, tỷ lệ phòng dịch vụ tại các bệnh viện công đang chiếm 25% nhưng bệnh nhân vẫn đang phải nằm ghép, ông Liên khẳng định, không khống chế tỷ lệ.

Theo quy định của Bộ Y tế, khám chữa bệnh theo yêu cầu có 2 loại hình là đơn vị sử dụng vay vốn, liên doanh liên kết hoạt động theo yêu cầu và sử dụng tài sản công. Ông Liên cho rằng phải khuyến khích xây dựng hiện đại,  có thể 100-200 phòng dịch vụ vì số lượng bác sĩ, điều dưỡng không thiếu. Với việc sử dụng tài sản công của nhà nước thì đơn vị phải hoàn thành nhiệm được giao trước.

Những đơn vị này phải có đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ được cấp có thẩm quyền quyết định. Được quyết định mức giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa quy định tại thông tư.

“Điều kiện cơ bản nhất hiện nay của các bệnh viện là phải hoàn thành nhiệm vụ do nhà nước giao, quan trọng nhất là khám chữa bệnh BHYT, không được để người bệnh nằm ghép, khi đó mới được sử dụng cơ sở hạ tầng của bệnh viện để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu. Còn bệnh viện muốn làm dịch vụ theo yêu cầu thì phải huy động vốn xã hội hoá để đầu tư khu mới thực hiện dịch vụ theo yêu cầu”, ông Liên nói.

Không được áp dụng ngay mức giá tối đa

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương, theo một trong 2 phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn. Cụ thể, đơn vị xây dựng định mức, tính toán chi phí để quyết định mức giá hoặc so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ đó để quyết định giá.

Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng về cơ sở hạ tầng, nhân lực khi các cơ sở y tế tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Yêu cầu các đơn vị phải công khai danh mục (khả năng cung cấp), mức giá của từng dịch vụ để người biết, lựa chọn và quyết định việc sử dụng.

Giường có mức giá 4 triệu đồng là giường cho bệnh nhân nặng, có điều dưỡng phục vụ 24/24 giờ, người nhà không cần chăm, có bàn tiếp khách, phòng ăn, đầy đủ trang thiết bị y tế và giường nằm cho người nhà. Bộ Y tế cho hay, mức giá trên đã tham khảo bảng giá của nhiều bệnh viện tư trên cả nước. Tại các bệnh viện này, giá phòng có thể từ 4 triệu đồng/phòng 1 giường đến hơn 20 triệu đồng/phòng/ngày.

MỚI - NÓNG