Kỳ tích từ một bé trai phỏng 95%

Các bác sĩ cho rằng việc cứu sống bé Nguyễn Quốc Bảo, 3 tuổi, ở Tây Ninh, phỏng 95%, phỏng độ 2, độ 3 đã tạo nên một kỳ tích tại khoa phỏng - tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Từ trước đến nay những ca phỏng có diện tích trên 90%, phỏng độ 2, độ 3 đều không thể qua khỏi, trong khi diện tích phỏng của bé Quốc Bảo lên tới 95%.

Kỳ tích từ một bé trai phỏng 95% ảnh 1 Ba của Bảo tập đi cho con.

Sức sống mãnh liệt

Bác sĩ Đặng Thị Thanh Thúy, phó khoa phỏng - tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, kể lại lúc tiếp nhận bé Quốc Bảo, các y bác sĩ tư vấn cho gia đình biết bệnh nhi bị phỏng rất nặng và cơ hội cứu sống rất ít. Tuy nhiên, các bác sĩ động viên gia đình chị chỉ còn 1% cơ hội cứu sống thì các bác sĩ cũng làm hết sức mình và mong nhận được sự hợp tác từ phía gia đình.

Với sự điều trị tích cực của các y bác sĩ, sự phối hợp điều trị của gia đình bệnh nhi và hơn cả là sức sống mãnh liệt của bé Quốc Bảo, sau ba tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trải qua năm lần mổ cắt lọc, ghép da, bé Quốc Bảo vượt qua cái chết một cách kỳ diệu và tạo nên kỳ tích tại khoa phỏng - tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Sáng 8/9, khi chúng tôi tìm đến nhà bé Quốc Bảo ở thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh là lúc mọi người đang vây quanh bé Quốc Bảo.

Bé ngồi trên ghế, giọng ngọng nghịu đòi bà nội lấy nước. Ông nội đứng sát bên chốc chốc lại hỏi bé có đói bụng, có mệt không. Hai bàn tay bé xíu của bé chưa cầm nắm được nhiều, khẽ nâng lên hạ xuống tờ giấy nhỏ với sự động viên của ông nội và ba. Ngồi chán, bé đòi đứng dậy đi. Ông nội lại từng bước từng bước đi sát bên cạnh Bảo.

Ông Nguyễn Văn Lượm, ông nội bé Bảo, kể với chúng tôi sự việc mà không nén được xúc động lẫn đau xót. Đang nghỉ hè nên mấy đứa cháu lên chơi, sáng sáng ông hay dẫn cháu đi chơi ở khoảng ruộng trồng cây trái cách nhà chừng 1 km.

Sáng 4/6, anh Nguyễn Trọng Quốc, 34 tuổi, ba của Bảo, chở Bảo trên xe máy vào ruộng. Tới nơi xe lủng bánh, anh chạy đi vá. Bảo nhất quyết đòi ở lại ruộng chứ không theo ba về.

Lúc đó ông Lượm đang cõng cháu gái trên vai, mới đi được mấy bước thì thấy Bảo đã trèo vào chảo nước sôi lớn của lò mổ heo bên đường từ lúc nào. Ông vội buông cháu gái chạy tới.

“Tôi thấy Bảo đang chìm xuống chảo nước sôi ấy. Tôi nắm được cánh tay cháu kéo lên nhưng tuột ra. Lập tức tôi nhào vô chảo đẩy cháu lên rồi ẵm chạy ra mé đường đất” - ông nhớ lại.

Lúc đó vừa kịp nhìn thấy phuy nước bên đường, ông đặt cháu vào phuy để giảm nhiệt. Sau đó Bảo được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu rồi chuyển xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Kể từ khi bé Bảo nhập viện ngày 4/6 đến ngày ra viện 5/9 là khoảng thời gian khủng khiếp của gia đình. Cho đến giờ dù cháu nội đã tai qua nạn khỏi nhưng ông Lượm cứ tự trách: “Đúng là chúng tôi sơ ý quá. Bảo ngoan lắm, ít khi nào chạy chơi lung tung, không hiểu sao hôm đó lại chạy đi để xảy ra chuyện. Nếu phát hiện trễ một chút thì...” - ông nhắm mắt khi nhắc tới cảnh tượng đó.

Bản thân ông cũng phỏng hai bàn chân bàn tay, khi đưa được cháu vào viện thì ông cũng qua Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Ông nói đó là những ngày nằm trên đống lửa vì bao nhiêu tâm trí lo cho đứa cháu đã luôn quấn quýt bên ông từ lúc nhỏ tới giờ.

Hi vọng và chờ đợi

Khoa phỏng - tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 có phòng 28-29 là cách ly 100% dành cho những bệnh nhi phỏng rất nguy kịch. Bảo nằm trong phòng 28. Anh Quốc nhớ lại: “Mỗi ngày chúng tôi được vào thăm con sáu lần, mỗi lần nửa giờ để cho ăn, dỗ dành và chăm sóc. Cứ nhìn cảnh con mình nằm đó, đôi lúc hôn mê, đỏ hỏn người mà không cầm được nước mắt”.

Thậm chí anh và gia đình chuẩn bị sẵn tư tưởng sẽ mãi mãi mất con. Nhưng phép mầu đến với gia đình anh trong lúc tuyệt vọng nhất. Anh Quốc kể Bảo rất ngoan. Dù bệnh nặng nhưng mỗi khi tỉnh táo, Bảo vẫn líu lo nói chuyện với y bác sĩ và mọi người. Ai hỏi gì Bảo trả lời đó, khi bác sĩ tiêm thuốc, truyền dịch... chỉ cần dỗ nói “Bảo ngoan cho mau khỏe” là Bảo chịu liền.

Hiện mỗi tuần gia đình đưa Bảo xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1 để tái khám. Còn mỗi ngày ông Lượm và anh Quốc cùng nhau thoa thuốc cho Bảo, cứ trông thấy thuốc thấm vào da Bảo là lại thoa tiếp. Ban đêm mọi người phải băng kín da Bảo để mau lành, ban ngày trông chừng bé rất cẩn thận.

“Tội nhất là ban đêm cháu ngủ chập chờn vì đang lên da non nên rất ngứa, đau nhức. Nhiều khi nửa đêm thấy cháu khóc xót ruột mà không biết làm sao” - ông Lượm nói.

Ông mong những ngày tiếp theo sẽ nhẹ nhõm hơn cho cháu mình - một đứa trẻ 3 tuổi sống sót kỳ diệu sau quá nhiều đau đớn.

1.001 lý do bị phỏng

Bác sĩ Đặng Thị Thanh Thúy cho biết bé Quốc Bảo là một trong số rất nhiều bệnh nhi phỏng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Mỗi ngày khoa phỏng - tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 2-3 ca phỏng nặng.

Có 1.001 nguyên nhân gây phỏng ở trẻ nhưng đa số đều bắt đầu từ sự bất cẩn của người lớn. Có bé sơ sinh bị phỏng vì người lớn pha nước tắm cho bé lại chỉ đổ nước sôi mà chưa pha nước lạnh, hoặc nhiều bà mẹ đổ nước sôi pha sữa nhưng vô ý làm nước sôi trong phích đổ vào người trẻ. Hi hữu có trường hợp người lớn đốt rác nhưng không trông chừng trẻ làm trẻ giẫm lên bị phỏng...

Gần đây, khoa phỏng - tạo hình tiếp nhận một trường hợp rất thương tâm. Người nhà bệnh nhi để can xăng dưới gầm giường bệnh nhi. Đêm hôm đó, ông ngoại trằn trọc không ngủ được đã dậy hút thuốc lá, sau đó ném tàn thuốc dưới gầm giường làm can xăng bùng cháy khiến cháu bị phỏng rất nặng.

Tuy nhiên khi trẻ không may gặp rủi ro, bác sĩ Thúy khuyến cáo trẻ bị phỏng cần loại bỏ nguyên nhân gây phỏng ngay lập tức. Ví dụ nếu là phỏng lửa, phỏng điện thì phải dập lửa, ngắt điện ngay. Nên xả ngay nước sạch vào vùng trẻ bị phỏng để hạ thân nhiệt chỗ phỏng, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trẻ bị phỏng khi được xuất viện nhưng vết phỏng vẫn chưa lành hẳn. Vì vậy, những trường hợp này vẫn có chế độ theo dõi nghiêm ngặt, tái khám 1-2 tuần/lần tùy vết thương cho đến khi vết thương hoàn toàn lành, đồng thời tiếp tục được điều trị vật lý trị liệu, tập khớp để chống sẹo co rút. \

Theo Thùy Dương-Yến Trinh

Theo Báo Tuổi Trẻ
MỚI - NÓNG