Làm gì để bệnh trĩ không tái phát?

Bệnh trĩ gây ra nhiều rắc rối, đau đớn cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh trĩ gây ra nhiều rắc rối, đau đớn cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày.
Là một bệnh phổ biến nhưng nhiều người mắc trĩ e dè, ngại đi khám, chữa bệnh theo kiểu “truyền miệng” khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng nề. Từ chỗ có thể can thiệp nội khoa, nhiều bệnh nhân trĩ nặng độ 3, 4 với nhiều bất tiện cho sinh hoạt phải phẫu thuật.

Hơn 50% dân số mắc trĩ

Theo TS.BS Nguyễn Thị Quỹ, nguyên Trưởng phòng nội soi Tiêu hóa Bệnh viện Xanh Pôn, Phó Chủ tịch hội Tiêu hóa Hà Nội, trĩ là một bệnh rất phổ biến, với trên 50% dân số mắc phải và ngày càng tăng do lối sống, sinh hoạt.

Cùng quan điểm này, BS cao cấp Hoàng Đình Lân, nguyên Trưởng khoa Ngoại bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát của Hội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trĩ chiếm khoảng 55% trong dân số và số người trẻ mắc bệnh này đang có xu hướng tăng.

Căn bệnh này thường gặp ở những người làm công việc nặng nhọc, phụ nữ thời kỳ sinh đẻ, những người hay dùng chất cay nóng nhiều. Đến nay người ta chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra trĩ, chỉ đưa ra được những nghiên cứu về điều kiện thuận lợi gây ra trĩ.

TS Quỹ cho rằng, ở khu vực thành thị, chế độ làm việc căng thẳng, cường độ làm việc quá nhiều, cộng với thức khuya, sinh hoạt đảo lộn, ăn uống không đúng giờ, ăn uống không lành mạnh nhiều rượu bia, ngồi nhiều ít vận động là những điều kiện thuận lợi gây ra trĩ.

Trong khi đó ở nông thôn đặc thù là làm những công việc quá nặng, bê vác nhiều là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Các viêm nhiễm khuẩn trong đường ruột và gây nên các chứng như kiết lị, đi ngoài nhiều lần cũng là căn nguyên gây trĩ.

Đừng ngại ngùng đi khám trĩ

Thực tế, bệnh trĩ không gây tử vong nhưng làm người bệnh vô cùng khổ, đau đớn nhưng nhiều người e ngại khi đi khám trĩ vì bác sĩ sẽ phải thăm khám hậu môn, trực tràng. Vì thế phần lớn bệnh nhân đến viện khi đã bị biến chứng chảy máu chảy nhiều (máu chảy thành giọt hay thành tia mỗi khi đi cầu hoặc mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy, hoặc khi búi trĩ đã bị xa nằm bên ngoài hậu môn không thể nhét vào được... người ta mới chịu tới bệnh viện).

“Đây là hậu quả của tình trạng e ngại đi khám. Từ chỗ trĩ độ 1 – 2 không dám đi khám, đến khi trĩ đã chuyển sang độ 4, không thể “sống chung” được với nó nữa mới đến viện lúc này không thể điều trị nội khoa mà cần phẫu thuật. Người bệnh cần gạt bỏ tâm lý này, điều trị sớm để đỡ ảnh hưởng đến chất lượng sống”, BS Lân khuyến cáo.

Nhiều bệnh nhân mắc trĩ cũng có xu hướng tự chữa theo truyền miệng, quảng cáo. Không ít bệnh nhân đắp lá chữa trĩ gây loét, viêm hoại tử vùng hậu môn. Có những người bị chít hẹp hậu môn không thể đi đại tiện được, phải “ăn bẩn” để bị rối loạn tiêu hóa; hay có người bị mất tự chủ hậu môn đi đại tiện khó tự chủ... phải tạo hình hậu môn, can thiệp phẫu thuật.

Bệnh trĩ nếu chúng ta điều trị không đúng cách và không kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng như xuất huyết, có trường hợp chảy máu liên tục gây sốc hoặc thiếu máu mãn tính. Búi trĩ cũng có thể sa xuống, nghẹt lại gây hoại tử. Trĩ cũng có thể gây ra tình trạng áp xe hậu môn, gây viêm tắc, chít hẹp lỗ hậu môn...

Nguy hiểm nhất, nhiều bệnh lý ác tính ở vùng hậu môn như ung thư ống hậu môn, ung thư trực tràng, polyp trực tràng cũng có triệu chứng đại tiện ra máu, nếu không đi khám sớm không thể loại trừ. Không ít trường hợp đến viện vì khám trĩ nhưng bác sĩ phát hiện ra ung thư.

Lời khuyên những người đã từng mắc trĩ

Theo TS Quỹ, chính vì có nhiều căn nguyên gây bệnh, nên điều trị phải cần tìm ra nguyên nhân mới điều trị được. Trĩ độ 1, độ 2 thường chỉ dùng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống để bệnh trĩ không tái phát và tiến triển thành giai đoạn 3 và giai đoạn 4. Ở giai đoạn này bệnh nhân phải can thiệp phẫu thuật.

BS Lân cho biết, ai mắc trĩ cũng mong muốn chữa dứt điểm nhưng thực tế trĩ hay tái phát vì nguyên nhân cụ thể chưa xác định được, trong khi yếu tố nguy cơ quá nhiều.

BS Lân giải thích thêm, trĩ không khỏi triệt để bởi trĩ là do nguyên nhân khác gây ra, muốn triệt để là phải triệt để nguyên nhân sinh ra búi trĩ. Trong khi đó, nguyên nhân sinh ra trĩ như viêm đại tràng mãn (khó chữa hết), do chửa đẻ (phải ngừng chửa đẻ), do uống rượu, sinh hoạt bừa bãi… phải điều chỉnh mới hết. Các phương pháp khác đều hết triệu chứng trĩ nhưng tỉ lệ tái phát rất phổ biến, có người sau 1 năm, nhưng cũng có người 10 năm sau mới tái phát, phụ thuộc vào việc dự phòng tái phát của người bệnh.

Làm gì để bệnh trĩ không tái phát? ảnh 1

Để phòng trĩ và phòng tái phát trĩ, cần lựa chọn chế độ ăn nhiều rau xanh, chất xơ để tránh táo bón. Các loại rau xanh quen thuộc rau lang, rau mùng tơi, rau diếp cá, đu đủ, chuối… để tăng tính nhuận tràng, giảm các chất kích thích, ớt, bia rượu, vận động đều đặn, tránh ngồi nhiều và cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.