Lần đầu tại Việt Nam: 'Chú hề bác sĩ' chữa bệnh

Lần đầu tại Việt Nam: 'Chú hề bác sĩ' chữa bệnh
Những “Chú hề bác sĩ” bằng gương mặt ngộ nghĩnh, những trò chơi hay lời động viên nhẹ nhàng, sẽ làm cho các em nhỏ phân tâm, thư giãn trong quá trình điều trị.
“Chú hề bác sĩ” David Barashi và bệnh nhi. Ảnh do Đại sứ quán Israel cung cấp
“Chú hề bác sĩ” David Barashi và bệnh nhi. Ảnh do Đại sứ quán Israel cung cấp.

Khóa học “Chú hề bác sĩ” bắt đầu diễn ra từ ngày 25/10/2013, tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 4 ngày, do nghệ sĩ David Barashi - một “chú hề bác sĩ” từng có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện của Israel, hướng dẫn cho các bác sĩ và điều dưỡng thuộc các khoa phòng khác nhau của bệnh viện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nhật An – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, "lớp học này tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, là cơ hội cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương có thêm những cách thức mang lại niềm vui, sự lạc quan và xua tan sợ hãi cho các bệnh nhân nhí”.

Đây là chương trình đầu tiên tổ chức tại Việt Nam và sẽ là tiền đề cho những chương trình “chú hề bác sĩ” của Việt Nam sau này.

“Chú hề bác sĩ” giúp giảm phần lớn sự lo âu

Theo tạp chí nhi khoa của viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, có đến 60% trẻ lo âu trong giai đoạn trước phẫu thuật như cảm giác căng thẳng, lo sợ, hốt hoảng, bối rối.

Sự lo âu cao sẽ là tác nhân dẫn đến những rắc rối sau phẫu thuật, có thể kéo dài 6 tháng sau thủ thuật.

Kết quả sau khi nghiên cứu cho thấy, sự có mặt của các chú hề bác sĩ cùng bố mẹ của các bệnh nhân nhí trong quá trình trước khi vào phẫu thuật là một biện pháp hiệu quả giảm đi sự lo âu.

Các “Chú hề bác sĩ” còn tham gia trị liệu trong rất nhiều chuyên môn như: thử máu, điều trị bỏng, vật lý trị liệu, điều trị HIV, cấp cứu…

“Chú hề bác sĩ” David Barashi cho biết, chuyên ngành này được coi như cận lâm sàng, kết hợp giữa liệu pháp sân khấu và điều trị chăm sóc rất phổ biến trong những năm gần đây.

Phương pháp sử dụng “Chú hề bác sĩ” đã xuất hiện cách đây 11 năm và có mặt đầu tiên tại BV của Israel.

Tại đây, các “Chú hề bác sĩ” làm việc theo giờ giấc như một nhân viên y tế bình thường.

Các chú hề bác sĩ sẽ tới thăm từng bệnh nhân nhí làm cho các em cảm thấy vui vẻ, phấn chấn và lạc quan hơn trước tình trạng bệnh tật của mình. Họ tạo ra một thế giới tưởng tượng kỳ diệu mà trong đó bệnh nhi là trung tâm và được thỏa sức làm những gì mình muốn.

Tinh thần là liệu pháp hiệu quả trong quá trình điều trị

Tại TP HCM từ ngày 2/12 đến 5/12/2013, một khóa học tương tự sẽ được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM với sự tham gia của các y bác sĩ trong bệnh viện và các sinh viên trường Đại học sân khấu điện ảnh thành phố.

Ngày 6/12/2013, David sẽ tiếp tục các hoạt động thiện nguyện của mình tại Viện huyết học truyền máu trung ương TPHCM.

Thạc sĩ Phạm Thu Hà - Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương tâm sự, chị rất hào hứng với dự án này.

Theo chị, mỗi bác sĩ, điều dưỡng nên là một “chú hề” vì họ là người tiếp xúc thường xuyên với các bệnh nhi 24/24h. Điều quan trọng là phải biết tạo ra môi trường vui vẻ, lạc quan cho các em.

Khi nhập viện, các em cũng như gia đình phải chịu nhiều đau đớn và nỗi sợ hãi bệnh tật. Điều trị bệnh chỉ là một phần, bên cạnh đó liệu pháp tinh thần cũng rất hiệu quả.

Với chúng tôi, làm điều dưỡng trong viện Nhi là môi trường đặc biệt vì ngoài làm tròn trách nhiệm công việc. Chúng tôi còn là những người cha, người mẹ, người bạn của các em nhỏ.

Nếu bác sĩ, điều dưỡng truyền được niềm vui cho bệnh nhi thì phần nào đã thành công trong việc xua đi nỗi sợ hãi cho mỗi em nhỏ, giúp các em tự tin vào chính bản thân mình.

Thạc sĩ Phạm Thu Hà cũng hy vọng, dự án sau này sẽ được triển khai và phát triển hơn nữa để các bác sĩ, điều dưỡng nói riêng được huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp trong việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện, tin yêu với các bệnh nhi.

Theo Thanh Loan
Sức Khỏe Đời Sống

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG