Lão hóa da, bệnh ảnh hưởng nhiều cơ quan trong cơ thể

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Lão hóa da có thể do di truyền, hormone và bệnh lý hoặc do ánh sáng mặt trời, hút thuốc lá, lối sống...

Lão hóa da sinh lý: Nhiều chức năng bị suy giảm

Quá trình già nua của da là hiển nhiên, không tránh được. Sự lão hóa tùy theo từng người do gen di truyền quyết định. Lão hóa da làm suy giảm các chức năng sinh lý của làn da, tuần hoàn máu và hệ bạch huyết, làm mất đi cấu trúc tổng thể của làn da, suy yếu mao mạch dưới da.

Khoảng 80% lão hóa da mặt gây ra bởi tia cực tím. Chỉ một phần da tiếp xúc với ánh nắng và các tia phóng xạ bị lão hóa. Đây là quá trình có thể tránh được. Ngoài ra khói bụi, thuốc lá, rượu, lối sống… cũng là các yếu tố làm da dễ “xuống cấp”.

Theo BS Trần Thế Viện, khi bị lão hóa, thượng bì hư hao nhiều hơn tái tạo, mỏng manh hơn. Tế bào sắc tố, chất elastin, collagen giảm, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn teo, giảm hoạt động.

Khi da lão hóa, không chỉ có biểu hiện bên ngoài mà còn “kéo theo” chức năng sinh lý thay đổi như: chức năng bảo vệ yếu (da khô, dễ kích ứng), bề mặt thô ráp, chậm lành vết thương, sửa chữa DNA (tăng nguy cơ bị ung thư da), giảm tính đàn hồi (da nhăn nheo), đáp ứng miễn dịch - đáp ứng viêm - cảm giác nhận biết giảm (dễ tổn thương, nhiễm trùng da), tiết mồ hôi ít đi (giảm khả năng điều hòa thân nhiệt), sản xuất vitamin D ít đi (giảm lượng vitamin D dự trữ, loãng xương, yếu cơ)…

Lão hóa da bệnh lý: Hiếm gặp nhưng nguy hiểm

Gần đây có một số ca bệnh “cô gái bỗng biến thành bà lão” hoặc một số trường hợp các bé chỉ một-ba tuổi nhưng đã có các “triệu chứng của tuổi già”, các giả thuyết được đặt ra là do mắc các bệnh lý như bệnh nhão da, hội chứng Werner, hội chứng già trước tuổi…

● Hội chứng già trước tuổi (progeria syndrome): là bệnh lão hóa ở trẻ em hay “lão nhi”, nguyên nhân do đột biến gen Lamin A, thuộc nhiễm sắc thể số 1. Bệnh không khởi phát từ lúc mới sinh mà có thể từ mộthai năm sau đó mới có các triệu chứng của tuổi già.

Bệnh hiếm gặp, trên thế giới cứ khoảng bốn-tám triệu trẻ em thì có một trường hợp, tại Việt Nam đã ghi nhận vài trường hợp.

● Hội chứng Werner: là bệnh di truyền có rối loạn đặc trưng bởi hiện tượng lão hóa sớm nhưng không xuất hiện ở thời kỳ thơ ấu như bệnh “lão nhi” mà bắt đầu ở tuổi dậy thì.

Biểu hiện của bệnh là đục thủy tinh thể hai mắt, da mất độ đàn hồi, teo da, thay đổi sắc tố, viêm loét, da mặt có nhiều nếp nhăn giống gương mặt của bệnh nhân xơ cứng bì, tóc rụng, bạc sớm, dáng người thấp lùn.

● Bệnh nhão da (cutis laxa): Nhão da là tình trạng thoái hóa của sợi elastin gây chảy xệ, da bị kéo dãn không đàn hồi được. Hệ thống sợi elastin ở các cơ quan nội tạng như hô hấp, tim mạch cũng bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây giảm, thoái hóa sợi eslastin được cho là do rối loạn chuyển hóa đồng hoặc cơ thể thiếu đồng, giảm lượng enzym lysyl oxidase, tăng hủy sợi elastin sau viêm nhiễm hay các bệnh lý miễn dịch.

Khi mắc bệnh nhão da, thường kèm theo một số bệnh lý khác như mề đay, bệnh collagen, bệnh tế bào mast, u tủy, u lympho, bệnh vảy cá, các bệnh tự miễn, nhiễm trùng, dị ứng… Do đó, đầu tiên sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh về da như ngứa, nổi mẩn đỏ… một thời gian sau bệnh nhão da mới xuất hiện.

Ngoài ra, da mất độ đàn hồi và dễ tổn thương. Vùng hay bị ảnh hưởng nhất là da mặt (quanh mắt), vùng cổ, vai, đùi, bụng, quanh rốn. Một số cơ quan cũng bị ảnh hưởng như hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, cơ xương khớp…

Theo Theo PNO
MỚI - NÓNG