Liên thông kết quả xét nghiệm: Chưa phát huy hiệu quả

Từ 1/8, theo quy định của Bộ Y tế, 38 bệnh viện tuyến trung ương chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Ảnh: Như Ý.
Từ 1/8, theo quy định của Bộ Y tế, 38 bệnh viện tuyến trung ương chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 18/8, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa 38 bệnh viện tuyến trung ương chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Căn cứ vào 65 loại xét nghiệm liên thông mà Bộ Y tế quy định, bệnh viện Bạch Mai đã chọn ra những kết quả có chỉ số ổn định để liên thông với đơn vị có chất lượng tương đương. Ví dụ như vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan, thận sẽ không phải xét nghiệm lại vì ít biến đổi.

Nhưng trên thực tế trong xét nghiệm có đến hàng trăm chỉ số, trong đó có những chỉ số thay đổi theo ngày. Thêm nữa trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm thuộc về bác sĩ dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh, vì thế cho đến thời điểm này chưa thực sự tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người bệnh.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Có bệnh nhân buổi sáng làm xét nghiệm men gan ở Bệnh viện Thanh Nhàn nhưng chiều sang Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ vẫn yêu cầu xét nghiệm lại. Bệnh nhân cũng thắc mắc nhưng kết quả cho ra hoàn toàn khác nhau. Điều này không phải do chất lượng xét nghiệm khác nhau mà bệnh tình bệnh nhân nặng thêm. Trong trường hợp này vẫn cần làm xét nghiệm để tiên lượng bệnh và có hướng điều trị”.

Bác sĩ Tuấn Anh, Trưởng khoa Hóa sinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong tổng số xét nghiệm bệnh viện vẫn làm, số lượng được phép liên thông đạt tỷ lệ ít. Không phải xét nghiệm nào cũng liên thông được. Việc giảm chi phí, thời gian cho người bệnh không phải là tất cả, điều quan trọng là từ xét nghiệm chính xác để có hướng điều trị cho bệnh nhân. Tuỳ thuộc vào tình trạng người bệnh bác sĩ ra quyết định có phải làm lại xét nghiệm không.

Tuy nhiên theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, việc liên thông này rất quan trọng vì cái đích là hướng đến sự chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm của các bệnh viện. TS Dương Đức Hùng cho biết thêm, liên thông xét nghiệm cũng là cách hướng đến lưu trữ hồ sơ sức khỏe toàn diện của mọi người.

Trước đó, theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1/8, 38 bệnh viện tuyến trung ương chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) này công nhận và sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở KCB khác trong trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng về thời gian và tình trạng người bệnh.

Bộ Y tế nhận định, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp người bệnh tiết kiệm cả về tiền bạc lẫn thời gian, nhất là giảm bớt phiền hà, vất vả do phải thực hiện nhiều xét nghiệm khi đi KCB. Đây được đánh giá là một chủ trương đúng đắn, vừa đảm bảo chất lượng KCB, vừa đảm bảo quyền lợi người bệnh trong bối cảnh nhiều bệnh viện và đơn vị xã hội hóa về trang thiết bị đã cấu kết với nhau để “rút hầu bao” bệnh nhân và bảo hiểm y tế bằng việc lạm dụng chỉ định xét nghiệm.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khi đã liên thông kết quả xét nghiệm rồi thì cũng không phải cứ kết quả của tuyến dưới chuyển lên tuyến trung ương là không cần làm lại, mà phải căn cứ vào thực tế của người bệnh để chỉ định làm xét nghiệm lại, hoặc sử dụng kết quả của bệnh viện tuyến dưới. Chỉ nên coi có việc lạm dụng là khi tuyến trên cho làm lại toàn bộ các xét nghiệm của tuyến dưới.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), đến nay đã có 50 phòng xét nghiệm thuộc gần 40 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO 15189. Bộ Y tế cũng đã xây dựng các tiêu chí 3 loại xét nghiệm: hóa sinh, huyết học và vi sinh (mỗi xét nghiệm có 20 - 30 chỉ số) thực hiện liên thông xét nghiệm. Đây là cơ sở để các bệnh viện công nhận và sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau. Khi xét nghiệm có độ tin cậy, không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí cho cả cơ sở y tế lẫn người dân.

Trên thực tế, tình trạng các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần đã gây mất thời gian và tốn kém tiền của. Các bệnh viện cho rằng, việc phải xét nghiệm lại là điều mà các bác sĩ không muốn nhưng buộc phải thực hiện. Lý do là nhiều năm qua việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện vẫn chưa được thực hiện.

Vẫn theo ông Khuê, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay nhìn chung chưa đồng đều. Ở các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn, còn ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn hạn chế.

Theo lộ trình, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

MỚI - NÓNG