Liên thông xét nghiệm, bệnh nhân hưởng lợi

Người dân được hưởng lợi trong quy định về kết quả xét nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người dân được hưởng lợi trong quy định về kết quả xét nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Quy định của Bộ Y tế về việc 38 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ liên thông kết quả xét nghiệm từ 1/8 vừa qua bước đầu khiến bệnh nhân hài lòng vì giảm chi phí, thời gian và công sức. Tuy nhiên, không phải khi đã có quy định này thì mọi xét nghiệm đều mặc nhiên được công nhận.

Giảm tải cho bệnh nhân và bác sĩ

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, bệnh nhi N.M.H (3 tuổi) được chuyển từ BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên xuống. Thay vì phải làm lại các xét nghiệm máu và men gan thì kết quả xét nghiệm do BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên làm được công nhận tại BV Nhi T.Ư. Vì thế, bệnh nhân này chỉ việc thực hiện một số xét nghiệm mà BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên chưa chỉ định. Mẹ cháu H. cho biết, đã vài lần chị đưa con đi khám ở BV Nhi T.Ư, nhưng là lần đầu tiên không mất thời gian và tiền để làm lại xét nghiệm máu vì các bác sĩ ở Hà Nội nói kết quả xét nghiệm ở Thái Nguyên được BV Nhi T.Ư công nhận.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết đã từ lâu tại khoa Cấp cứu, việc công nhận kết quả xét nghiệm đã được thực hiện. Theo bác sĩ Cấp khó có BV nào giỏi tất cả các chuyên khoa nên việc công nhận kết quả của các BV chuyên ngành có uy tín là mặc nhiên, cho dù cơ sở y tế đó không thuộc tuyến trung ương. Bác sĩ Cấp cho ví dụ, mới đây khoa tiếp nhận bệnh nhân N.V.T (40 tuổi, ở Hà Nội) mắc viêm não Herpes. Trước đó, bệnh nhân đã chụp cộng hưởng từ (MRI) và các xét nghiệm từ một đơn vị y tế tư nhân có hệ thống xét nghiệm tốt. Kết quả MRI được bác sĩ đầu ngành trực tiếp thực hiện và đọc kết quả. Vì thế, khi được chuyển đến khoa Cấp cứu trong tình trạng nguy cấp, các bác sĩ không mất thời gian chỉ định bệnh nhân phải làm lại một số xét nghiệm, hay chụp lại MRI. Bệnh nhân tiết kiệm được rất nhiều chi phí (nếu không có BHYT sẽ phải mất từ hơn 1.745.000 – 2.336.000 đồng tuỳ loại). Chưa kể, việc chuyển bệnh nhân nặng từ phòng cấp cứu xuống phòng chụp MRI có thể nguy hiểm đến tính mạng. Theo bác sĩ Cấp, thường những xét nghiệm tại các bệnh viện chuyên ngành đầu ngành (như Tim mạch, Da liễu, Nội tiết, Sản…) sẽ được công nhận, vì đó là nơi có trang thiết bị, máy móc, nhân lực xét nghiệm chuyên sâu hơn bệnh viện sở tại.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, từ ngày 1/8, BV đã liên thông kết quả xét nghiệm với nhiều BV trung ương khác. Đã có nhiều BV cùng tuyến chuyển bệnh nhân đến mà không cần làm lại một số xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Theo TS Dương Đức Hùng: “Việc sử dụng lại kết quả xét nghiệm có thể tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất để liên thông kết quả xét nghiệm là giảm được nhiều chi phí gián tiếp như thời gian đi lại, chờ đợi xét nghiệm của bệnh nhân. BV không bị quá tải các xét nghiệm, cũng tiết kiệm được nhân lực, thời gian của nhân viên y tế”.

Vẫn có trường hợp phải xét nghiệm lại

Tuy nhiên với bệnh nhân H.T.T (5 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện Phong Da liễu T.Ư Quỳnh Lập (Nghệ An) lại phải làm lại xét nghiệm sinh hoá vì kết quả xét nghiệm sinh hoá của bệnh nhân này đã quá thời gian Bộ Y tế quy định. Danh mục đều ghi rõ thời gian tối đa có thể dùng lại xét nghiệm từ 1-7 ngày. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, có một số xét nghiệm, thời gian xét nghiệm còn hiệu lực để dùng lại tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh. Riêng xét nghiệm định lượng HbA1c có thời hạn tối đa đến 60 ngày nhưng trong một số trường hợp cụ thể tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh.

Với kỹ thuật tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser), không quy định thời gian tối đa mà phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ và tình trạng bệnh nhân. Ví dụ một bệnh nhân thông thường, xét nghiệm này không thay đổi trong 1-2 ngày. Tuy nhiên, nếu có xuất huyết hay mất dịch nặng, kết quả này thậm chí thay đổi trong 1-2 giờ nên rất có thể khi chuyển viện, bệnh nhân phải làm lại xét nghiệm để đảm bảo tính chính xác trong chẩn đoán. Hoặc kỹ thuật xét nghiệm máu lắng (bằng máy tự động) được quy định thời gian tối đa để công nhận là 5 ngày. Bác sĩ Cấp phân tích: “Sự thay đổi trong kết quả xét nghiệm máu lắng khá chậm. Để sự thay đổi có ý nghĩa đánh giá, xem có điều chỉnh phác đồ điều trị hay không thì phải qua 5 ngày”. Với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, lúc này hồng cầu đạt mức 3 triệu chưa phải truyền máu, nhưng vì có xuất huyết nên chỉ một lúc sau, hồng cầu có thể giảm xuống còn 2 triệu, sẽ phải truyền máu. Những gì có diễn biến nhanh chóng đều phải chỉ định xét nghiệm lại.

Với quy định này, các BV tuyến T.Ư bắt đầu thực hiện liên thông kết quả đối với 65 loại xét nghiệm khác nhau với thời gian tối đa khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí xét nghiệm mà còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi người dân không còn phải tốn tiền, mất thời gian để chờ đợi làm các xét nghiệm như nhau khi đi khám chữa bệnh.

Bác sĩ cân nhắc khi chỉ định xét nghiệm lại

Có ý kiến cho rằng, việc liên thông xét nghiệm có thể sẽ khiến các bác sĩ bị ép dùng lại các kết quả xét nghiệm dù bệnh nhân cần phải xét nghiệm lại, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh cho biết, quy định về việc liên thông kết quả xét nghiệm không phải để bó chặt các bác sĩ trong việc chỉ định xét nghiệm mà các bác sĩ vẫn là người có quyết định cao nhất trong điều trị. Theo đó, nếu ca bệnh nào thấy cần phải xét nghiệm thì các bác sĩ vẫn có quyền chỉ định xét nghiệm. Ông Khoa nhấn mạnh: “Tuy nhiên, các bác sĩ không được phép lãng phí nếu kết quả xét nghiệm vẫn sử dụng được”.

MỚI - NÓNG