Lộ diện bệnh nhân 'ma'

Lộ diện bệnh nhân 'ma'
TP - Trong khi công an đang điều tra những sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM (sau khi Tiền Phong có loạt bài phản ánh)chúng tôi lại phát hiện bệnh viện này cho nhiều bệnh nhân nhập viện một cách bất thường.

> Bệnh nhân 'ma' ở Bệnh viện Bưu điện TPHCM

Đi hội nghị, bị nhập viện

Ngày 3/10, tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM (68 Nguyễn Duy Hiệu, phường Thảo Điền, quận 2) diễn ra Hội nghị Lão khoa dành cho các cán bộ nhân viên hưu trí trong và ngoài ngành bưu chính viễn thông TPHCM.

Tại đây, khoảng 45 cán bộ được mời ký tên vào bản danh sách về dự hội nghị, được phát quà, khám bệnh, mời ăn trưa, được yêu cầu thử máu. Sau các công đoạn trên, số cán bộ hưu trí này “bị” nhập viện điều trị nội trú tại cơ sở 2. Điều đáng nói, tất cả họ đều được chẩn đoán cùng một bệnh “suy nhược cơ thể” và cùng nhập viện ngày 3/10 và điều trị đều… 3 ngày.

Sự việc vỡ lở khi bà L.T.C. (ngụ tại phường 4, quận 5, TPHCM) được yêu cầu lấy máu tại hội nghị nhưng bà C. từ chối vì bác sĩ bên cơ sở 1 của Bệnh viện đa khoa Bưu điện (ở đường Thành Thái, Quận 10 TPHCM) hẹn vào ngày 4/10 sẽ lấy mẫu máu cho bà.

Tới ngày 4/10 khi bà C. tới cơ sở 1 để làm thủ tục khám, lấy thuốc thì nhân viên không truy cập được vào hệ thống quản lý theo dõi bệnh nhân trên mạng có tên bà C. như mọi khi nên hẹn bà C. 3 ngày sau trở lại.

Một bác sĩ công tác ở Bệnh viện đa khoa Bưu điện cho biết: “Do trong hệ thống phần mềm quản lý chung về bệnh nhân của bệnh viện đa khoa Bưu điện, khi bà C. đã có tên trong danh sách chăm sóc tại cơ sở 2 thì đương nhiên trên phần mềm quản lý chăm sóc tại cơ sở 1 sẽ “không thể hiện” tên, mã số bệnh nhân được”. Đến đây bà C. mới biết mình đã được “nhập viện” ở cơ sở 2 mà không hay.

Ông P.H., 63 tuổi ở quận 3 cũng “bị” nhập viện bất đắc dĩ. Ngày 4/10, khi ông P.H. đến khám bệnh, lấy thuốc ngoại trú tại cơ sở 1 như mọi khi nhưng vẫn không truy cập tên mình được và được yêu cầu chờ 3 ngày sau quay lại.

Cũng như bà C., do ông H. trong ngày dự hội nghị Lão khoa ở cơ sở 2 đã được bệnh viện cho nhập nội trú nên không thể hiện được tên, mã số bệnh nhân ở cơ sở 1 được. Để trở lại cơ sở 1 nhận thuốc ngoại trú, theo các bác sĩ ông H. và bà C. phải đợi sau khi kết thúc “đợt điều trị” 3 ngày tại cơ sở 2.

Còn ông V.C. ở quận 5 khá bất ngờ khi trong danh sách 45 người điều trị nội trú có tên mình đang “nhập viện” điều trị tại cơ sở 2 trong ngày về dự hội nghị Lão khoa 3/10. “Chúng tôi được mời về dự Hội nghị Lão khoa lần này đều rất mừng. Nhưng việc mình nằm trong danh sách bệnh nhân nội trú khoa Nội - Lão khoa cơ sở 2 của bệnh viện này với 3 ngày nhập viện là tôi hoàn toàn không biết. Việc làm này rất không minh bạch”- ông V.C. nói.

Gian lận

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về những bệnh án “ma” tại bệnh viện đa khoa Bưu điện TPHCM từ nhiều năm nay, ông Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, sau khi phát hiện ra những bất thường về thanh toán bảo hiểm của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM, bảo hiểm đã chuyển hồ sơ cho Công an TPHCM điều tra. “Có một số bệnh nhân khống nên chúng tôi buộc thu lại hơn 1 tỷ đồng”- ông Sang nói.

Ông Cao Văn Sang cho biết, với những bất hợp lý trong khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Đa khoa Bưu điện, Bảo hiểm xã hội TPHCM thu hồi về quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2011 số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Lý do đơn vị này chi phí không thuộc phạm vi thanh toán theo quy định bảo hiểm y tế, chỉ định nhập viện chưa hợp lý và lạm dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 21/10, về những sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM, ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết, về sai phạm tài chính thì không thuộc quản lý của Bộ Y tế nhưng về chuyên môn Thanh tra Bộ đã yêu cầu bệnh viện báo cáo, giải trình. Tuy nhiên, đến nay phía bệnh viện vẫn chưa báo cáo sự việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.