Lo ngại bùng phát dịch tay chân miệng

Số ca nhập viện tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM) do bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở mức báo động ảnh: P.V
Số ca nhập viện tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM) do bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở mức báo động ảnh: P.V
TP - Số lượng bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng tại TPHCM đang gia tăng, trong đó, hơn 50% bệnh nhân dương tính với chủng virus EV71- chủng vi rút từng gây  đại dịch tay chân miệng trên cả nước năm 2011, làm hơn 100 bệnh nhi tử vong.

Chủng virus nguy hiểm
Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trong tuần qua, số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng tăng một cách báo động, gấp 5 lần so với trước đây. Giai đoạn cao điểm, khoa điều trị cho 222 em/ngày. Ngày 27/9, tại khoa còn điều trị cho 179 bệnh nhi, trong đó có gần 30 bệnh nhi trong tình trạng bệnh nặng phải theo dõi sát sao.

Tại BV Nhi đồng 2 (TPHCM), số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng gần đây cũng có xu hướng tăng đột biến. BS Huỳnh Minh Thu,Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Bệnh viện này cho biết, số trẻ được phát hiện bệnh chân tay miệng khi đến khám tại Bệnh viện trong tháng 8 là 4.511 ca, tăng hơn 100% so với tháng trước đó.

Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM ngày 28/9 cho thấy, trong số những ca nhập viện  tại những bệnh viện tuyến cuối của thành phố như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, có đến gần 60% số bệnh nhân  đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số ít từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Theo các chuyên gia, tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Mùa dịch bệnh năm nay có sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút EV71- chủng vi rút đã gây đại dịch tay chân miệng trên cả nước năm 2011.

BS Trương Hữu Khanh,Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết tính tới thời điểm hiện tại, lượng bệnh nhi nhập viện, nhất là các ca nặng vẫn đang tiếp tục tăng. “Đã có 10 trẻ phải thở máy và 4-5 trẻ phải lọc máu. Đối với những năm trước, điều tra dịch tễ cho thấy số trẻ mắc tay chân miệng do vi rút EV71 rất thấp, nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc vi rút EV71. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng.”, BS Khanh nói.

Về mức độ nguy hiểm của chủng EV71 (tên đầy đủ là Enterovirus 71),theo PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, qua theo dõi tại Viện, từ đầu năm đến tháng 7 chủng gây bệnh tay chân miệng là EV71 thường có  biểu hiện lâm sàng làm tổn thương ở các hệ thần kinh, hô hấp nặng hơn so với những chủng khác. “Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gen của Enterovirus 71 từ C5 sang C4. Chủng gen C4 này cũng dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi với cao gấp 1,7 lần so với các chủng gen khác của Enterovirus 71”, BS Lân phân tích.

Để phòng chống  bệnh  tay chân miệng, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát các nhà trẻ, nhóm trẻ, để truyền thông hướng dẫn các biện pháp kiểm soát bệnh.
Theo BS Trương Hữu Khanh, vì chủng vi rút EV71 có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao với nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong, nên  phụ huynh theo dõi sát các dấu hiệu của con để sớm phát hiện bệnh, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Theo các bác sĩ, vì vi rút gây bệnh tay chân miệng tồn tại trong môi trường thuận lợi, chẳng hạn như ở phân người, thường rất lâu,do đó cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là thường xuyên rửa tay cho trẻ. Người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cũng nên rửa tay sạch sẽ để phòng giữ cho trẻ. Khi phát hiện trẻ bị bệnh, phụ huynh cần báo cho nhà trường để vệ sinh môi trường, để vi rút không có cơ hội tồn tại, lây lan bệnh cho những trẻ khác.

Chưa có vắc xin phòng bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bệnh tay chân miệng do virus, lây qua đường tiêu hóa. Hiện bệnh này chưa có vắc xin phòng.
“Ở một số trường hợp trẻ mắc bệnh nặng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng đến hệ thống thần kinh trung ương, hô hấp, tim mạch, bao gồm viêm màng não vô trùng, mất điều hoà tiểu não, bại liệt, viêm não cấp, suy tim và phù phổi với tỷ lệ tử vong cao”, BS Dũng nhấn mạnh.
Tay chân miệng có biểu hiện khá đặc trưng với sốt, phát ban sần sùi hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và tổn thương loét ở miệng. Bệnh thường tự giới hạn nhưng rất dễ lây. Virus gây bệnh thường lây truyền qua đường phân hoặc qua dịch tiết mũi họng như nước bọt, đờm, hoặc nước mũi của người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn có đường lan truyền gián tiếp  bởi các vật liệu bị ô nhiễm do đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Bệnh tay chân miệng chủ yếu  xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch của trẻ ở độ tuổi này còn yếu.

“ Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như sốt cao không hạ, ói nhiều,  tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh  thì nên  đưa đi khám ngay. Có trường hợp trẻ không có dấu hiệu rõ như vậy  nhưng lúc thiu thiu ngủ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút, phải nghĩ đến khả năng bệnh này”. 
BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo

 
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.