Lọc máu cứu sống nhiều trẻ biến chứng nặng do ong đốt

 Bé T. đi câu, “tiện tay” chọc tổ ong vò vẽ và bị ong chích tơi bời. Ảnh: Quốc Ngọc.
Bé T. đi câu, “tiện tay” chọc tổ ong vò vẽ và bị ong chích tơi bời. Ảnh: Quốc Ngọc.
TPO - Từ tình trạng trẻ bị ong đốt trong dịp hè vừa qua, bác sĩ đưa ra một số cảnh báo cần thiết mà phụ huynh nên tuân thủ để sơ cứu cho con em mình.

Ngày 19/8, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, liên tiếp trong tuần qua khoa tiếp nhận các trường hợp bị ong vò vẽ đốt khá nặng, mà theo ông, trước đây khi chưa áp dụng kỹ thuật lọc máu thì các bác sĩ đã hoàn toàn bó tay.

Đi câu, “tiện tay” chọc tổ ong, bị chích tơi bời

Bé trai N.T.T. (13 tuổi, ngụ huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) được bệnh viện tỉnh chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốc nặng với hơn 50 vết ong đốt. Em được truyền dịch và theo dõi cấp cứu tại khoa thận. Theo người nhà, trước đó, bé T. nghỉ hè ở nhà, thường vác cần đi câu. Ngày 14/8, em cũng đi câu nhưng không câu được con cá nào. Buồn tình, cu cậu quơ cần câu “quậy” các bụi rậm gần đó. Chẳng may trúng vào một tổ ong vò vẽ, thế là em bị ong bay ra chích túi bụi.

Lọc máu cứu sống nhiều trẻ biến chứng nặng do ong đốt ảnh 1

Cùng thời điểm trường hợp bé T., khoa cấp cứu tiếp nhận ca nặng hơn với hơn 150 vết đốt trên cơ thể em gái 15 tuổi. Đây là trường hợp bị nhiều vết ong chích nhất mà bệnh viện tiếp nhận từ trước đến nay.

Em N.T.M.Th. (ngụ huyện Tân Thạnh, Long An) cùng cậu ruột ra vườn chặt cây tràm về làm củi. Người cậu chặt cây còn Th. đứng dưới xem. Một nhánh cây tràm bị chặt rơi xuống lại trúng phải cây tràm bên cạnh có tổ ong vò vẽ. Cả đàn ong có chừng hàng trăm con đã tấn công bé gái. Thấy cháu bị ong đốt mà không chịu chạy, người cậu lao tới xua đuổi đàn ong và cũng bị đốt. Cuối cùng, cả hai cậu cháu phải nhảy xuống sông mới thoát sự truy kích của đám ong vò vẽ.

Người cậu chỉ bị vài vết chích, tuy nhiên, em Th. thì nguy kịch. Em được đưa đến bệnh viện địa phương với biểu hiện sốc mạch, tay chân lạnh, huyết áp tụt, rối loạn tri giác, sưng phù mặt… 

Khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ đã bị biến chứng sốc phản vệ, tổn thương gan thận, tiểu ra máu, lơ mơ, khó thở. Bác sĩ đếm được hơn 150 vết ong đốt, chủ yếu ở đầu, mặt, cổ, tay, chân. Xét nghiệm cấp cứu cho kết quả tổn thương gan, thận, não, hủy cơ, tán huyết, toan chuyển hóa, tiểu máu. Em được cho thở oxy và nhanh chóng chuyển qua khoa hồi sức tích cực và chống độc để tiến hành lọc máu. Sau 36 giờ lọc máu liên tục, tình trạng em Th. đã cải thiện, tỉnh dần, tình trạng suy hô hấp cải thiện, tiểu bớt đỏ. Hiện sức khỏe em đã ổn định.

Lọc máu cứu sống nhiều trẻ biến chứng nặng do ong đốt ảnh 2
Lọc máu cứu sống nhiều trẻ biến chứng nặng do ong đốt ảnh 3

Em Th. được lọc máu liên tục tại khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc

Trẻ nặng cân ít bị biến chứng nặng hơn

Bác sĩ Tiến khuyến cáo khi trẻ bị ong đốt, người nhà phải cách ly trẻ khỏi khu vực đàn ong. Người lớn cần phải trấn an trẻ. Đồng thời, vừa dùng thuốc sát trùng hoặc nước xà phòng làm sạch vết ong đốt, vừa đếm luôn vết ong đốt.

Việc đếm vết đốt nhằm dự đoán được việc xử trí hợp lý. “Nếu trên 10 vết đốt, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Dưới 10 vết, thì sau khi rửa, trườm lạnh vết thương ở nhà. Theo dõi nếu trẻ mệt, tay chân lạnh, ngất xỉu, đi tiểu màu nâu đỏ, rối loạn tri giác thì cũng phải đi viện ngay”, ông Tiến nói.

Ngoài ra, nếu lấy số vết ong đốt chia cho trọng lượng cơ thể ra thương số lớn hơn 1,5 có nghĩa là tình trạng nặng. Như thế trái ngược với bệnh sốt xuất huyết, trẻ nặng cân khi bị ong đốt có thể chịu đựng tốt hơn, ít bị chuyển nặng hơn trẻ nhẹ cân.

Theo bác sĩ Tiến, ong vò vẽ, ong đất là những loài có độc tố cao, chứa các acid gây giãn mạch, tán huyết, tổn thương đa cơ quan. Mùa hè năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận 5-6 ca ong đốt. Riêng năm nay đã có 5 trường hợp.

Bác sĩ Tiến cho biết thêm, phương pháp lọc máu liên tục đã giúp cứu sống nhiều ca bị ong đốt rất nặng. Trường hợp em Th. nói trên nếu rơi vào thời điểm trước năm 2004, khi chưa áp dụng phương pháp này, chắc chắn đã tử vong. Thống kê từ 2008 đến 2010, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã dùng phương pháp lọc máu liên tục cho 31 ca trẻ bị ong đốt nguy kịch và đã cứu sống được 28 ca.

MỚI - NÓNG