Lời đáp trả khác người của cô gái Hà Nội khi bị giục có con

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Chị Nguyễn Hồng Vân, hiện sống ở Hà Nội, chia sẻ nỗi ám ảnh về việc bị mọi người thúc giục có con và việc coi trẻ em là trung tâm trong cuộc sống.

Chị tốt nghiệp Thạc sĩ Xã hội học trường Western Ontario, Canada và đã kết hôn hơn 1 năm.

Tết, đúng như dự đoán, câu hỏi mình nhận được nhiều nhất là "Đã có gì chưa?", và lời chúc nhận được nhiều nhất là "Sang năm có em bé nhé".

Lý do mọi người hay đưa ra để thúc giục chuyện có em bé là:

1) Nên đẻ khi bản thân còn trẻ và khỏe, sẽ có sức để chăm em bé hơn.

2) Nên đẻ khi bố mẹ hai bên còn trẻ và khỏe, sẽ có người để nhờ chăm em bé.

3) Cứ đẻ đi, đừng lo, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy (về tiền bạc, công việc).

4) Phải có một đứa con đã, rồi làm gì (mua nhà, tậu trâu) thì làm sau, con cái là hàng đầu.

Sau khi mình trình bày lý do tại sao chưa sẵn sàng cho trọng trách lớn lao này, mọi người thường diễn giải ý mình theo các cách sau:

1) Nó chưa đẻ vì ham kiếm tiền.

2) Nó chưa đẻ vì sợ/ngại vất vả.

3) Nó chưa đẻ vì còn tính toán/lo lắng quá nhiều.

Mình tự hiểu đây cũng là một trong vô số các biểu hiện của sốc văn hóa ngược, nhưng rõ ràng là nói đi nói lại, mọi người vẫn không hiểu được cách suy nghĩ của mình, còn mình thì bức xúc vì bị ép vào một vòng quay "phải giống như người ta", tức là chưa có người yêu thì phải có người yêu, có người yêu rồi thì phải lấy chồng, có chồng rồi thì phải đẻ ngay, đã đẻ một đứa rồi thì phải đẻ thêm đứa nữa, mới chỉ có con gái thì phải đẻ thằng con trai. Lúc nào cũng thúc ép và giục giã nhau, rồi mướt mải chạy trong cái vòng đua ai cũng giống ai đấy, chịu sức ép rồi đến lượt mình lại gây sức ép cho người khác.

Tất cả các lý do mọi người đưa ra cho việc nên sinh con, kể cả câu "nên lấy con cái làm đầu", vẫn xuất phát từ một cách nhìn, lấy bản thân làm trung tâm, và việc đẻ con là phục vụ cho cái trung tâm đó. Đẻ con để thực hiện nghĩa vụ (của mình), đẻ con để rảnh tay làm việc khác (rảnh cho mình), đẻ con để thỏa mãn khát khao làm mẹ (khát khao của mình), đẻ con khi còn khỏe (đỡ sau này mệt cho mình), đẻ con để nhờ ông bà giúp (giúp cho mình).

Cách nghĩ của mình, là lấy đứa trẻ làm trung tâm. Vì thế, những câu hỏi mình đặt ra, đơn giản là, mình đã sẵn sàng và chuẩn bị đủ để làm những gì tốt nhất có thể cho một con người, và nếu không phải tại mình, thì sẽ không phải có mặt trên đời này chưa?

Câu trả lời mình thường đưa ra cho mọi người, là bây giờ chưa đủ tiền. Dĩ nhiên những lời phản bác là "người ta nghèo, công nhân lương tháng có mấy triệu, sao người ta vẫn nuôi con được?". Mấy vụ cô bảo mẫu dìm đầu trẻ xuống thùng phi là các nhà trẻ ở khu công nghiệp chứ đâu? Hay là, "những đứa trẻ được bao bọc bởi vật chất sẽ không ngoan, con nhà nghèo rồi mới nên người". Với câu đấy, mọi người lại không hiểu mình muốn có tiền trước khi sinh con không phải để mua vật chất, mà để mua thời gian để ở bên đứa trẻ đấy.

 Câu trả lời mình thường đưa ra cho mọi người, là bây giờ chưa đủ tiền.. Ảnh minh họa: allwomanstalk.

"Câu trả lời mình thường đưa ra cho mọi người, là bây giờ chưa đủ tiền.". Ảnh minh họa: allwomanstalk.

Nói chung ở Việt Nam các ông bố bà mẹ không nghĩ nhiều đến việc giáo dục sớm. Phải khi nào đứa trẻ bắt đầu vào lớp 1 thì người ta mới nghĩ nó đi học. Vốn từ "trẻ con" đã thể hiện hàm ý, một đứa trẻ có một nửa là phần con, chỉ khi nào thành "người lớn" thì phần con ấy mới chuyển hóa thành phần "người". Trong ít nhất 6 năm đầu đời, bố mẹ chỉ coi nuôi trẻ đơn giản là cho ăn no ngủ kỹ, tăng cân đều, không ốm đau quấy khóc, vậy là mình đã làm tròn bổn phận.

Nhưng thật ra, 5 năm đầu, và đặc biệt là 2 năm đầu, là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người. Nơron thần kinh trong não trẻ ở thời gian này thực hiện các kết nối chất xám. Về thể chất, trong cả đời chỉ có hai giai đoạn phát triển nhiều nhất là sơ sinh và dậy thì, nhưng rõ ràng là lúc dậy thì con người ấy sẽ không cần sự hỗ trợ của bố mẹ nhiều như lúc sơ sinh. Có nhiều nghiên cứu theo dõi các cá nhân từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, và kết luận rằng, chỉ cần đến năm 5 tuổi là biết ai sẽ có những thói quen tốt khi lớn lên, như tiết kiệm, biết tự chủ, ai sẽ dễ nghiện ngập, thiếu sự kiểm soát bản thân, dễ phạm tội. Mọi nền tảng quan trọng nhất của một con người hình thành trong 5 năm đó.

Càng đọc nhiều thì mình càng thấy thà bỏ thời gian để chăm sóc trẻ trong 5 năm đầu, và yên tâm trong suốt phần đời còn lại, còn hơn đến khi nó 30 tuổi rồi mình lại lẽo đẽo đi sau trả nợ cho nó thua cờ bạc, hay khóc lóc xin nó từ đồn công an ra. Mình không hề có ý định ép một đứa trẻ trở thành thiên tài, cho đi học hết cái này đến cái khác, nhồi vào đầu nó bảng chữ cái như một con vẹt để đi biểu diễn với hàng xóm, nhưng nếu không để hỗ trợ cho con người ấy phát triển hết tiềm năng của mình, thì bản thân cảm thấy rất tội lỗi.

Phát triển hết tiềm năng là thế nào? Mọi người thường nghĩ rằng khi đứa trẻ chưa biết nói tức là nó chưa biết nghĩ, chưa biết nhận thức. Nhưng thật ra, sự nhận thức bắt đầu từ trong bụng mẹ. Một thí nghiệm cho các bà mẹ đọc truyện cho con khi đang mang bầu 6 tháng, và khi đứa trẻ ra đời, nó tỏ ra thích thú hơn khi nghe câu chuyện đấy, tức là có trí nhớ. Hoặc một trường hợp có thật mình biết, mẹ đọc sách cho con từ lúc đẻ ra, và con năm 2 tuổi đã biết đọc mà không cần dạy. Phải nhắc lại lần nữa, mình không có ý định hay mong muốn nhồi nhét để con thành thiên tài rồi mang đi khoe. Mình chỉ nghĩ, con người ấy có tiềm năng như vậy, vì mình mà bị bỏ lỡ, thì mình có tội, vậy thôi.

Mình chuẩn bị đi học tiếng Pháp cũng một phần là mong sau này có thể nói tiếng Pháp với con (bên cạnh tiếng Anh và tiếng Việt). Một đứa trẻ trước khi biết nói đã biết nghe và biết nhớ, nên việc tiếp xúc với các ngôn ngữ khác nhau càng sớm càng tốt. Cũng một người bạn mình biết, được sinh ra ở Nga, khi lớn lên nói tiếng Nga, tiếng Việt và tiếng Anh đều trôi chảy, thậm chí có thể bắt chước tiếng Quảng Đông khá tốt, mà không hề phải cố gắng học. Mình muốn đi học đàn, cũng để định sau này đánh đàn cho con, vì chứng kiến mấy em bé chơi đàn piano và khả năng tập trung trong thời gian dài của em ấy, so với mấy em bé khác cùng tuổi và cùng tư chất, nhưng bố mẹ suốt ngày cho xem TV. Mình dạy các em bé này cùng chơi một trò, và chơi với các em ấy trong cùng một khoảng thời gian là ba ngày, và nhận thấy rõ ràng sự khó khăn trong khả năng tập trung dù chỉ trong một lúc của hai em bé dù bố mẹ giàu hơn và nhiều thời gian ở nhà hơn nhưng xem TV từ sáng đến tối so với hai em bé biết đánh đàn.

Mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ có tiềm năng nhưng bị bỏ phí, mình lại thấy buồn. Giá mà bố mẹ chúng nó, những người có thừa tiền bạc, thời gian, chịu khó để ý đến con mình hơn một chút, thay vì chỉ cung cấp vật chất và đưa cho con cái điện thoại hay bật TV để mình được rảnh tay làm việc khác, thì thế giới này có khi đã có thêm một nhà khoa học, một nhà soạn nhạc, hay một người mộng mơ, và đã tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.

Cách nghĩ của mình, coi đứa trẻ là trung tâm, vì mình đưa con người ấy vào cuộc sống này, nên mình phải có trách nhiệm, và chuẩn bị tốt nhất có thể, giải thích thế nào mọi người xung quanh vẫn không hiểu.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.