Lợi ích của việc ăn chậm

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Ăn chậm không chỉ tỏ rõ mình là người lịch sự, mà còn có thể giảm bệnh đái tháo đường hiệu quả.

 Ăn nhanh… tăng bệnh

Anh Lê Văn Hà- 43 tuổi (Văn Lâm, Hưng Yên) làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên-Hà Nội, anh mắc bệnh đái tháo đường đã 3 năm nay, anh đã đổ khá nhiều tiền của để kìm hãm sự phát triển của căn bệnh này, nhưng bệnh tình vẫn ngày một nặng.

Do đặc thù công việc khiến giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi của anh Hà không theo một quy luật nhất định nào cả. Nhiều ngày, cứ vừa vào bữa ăn là anh bị gọi ngay đi làm thế là anh lại lùa vội vội vàng vàng bát cơm cho xong để còn đi làm. Nhưng gần đây, anh thấy mình kém ăn hơn trước nhiều, lại khó tiêu, nhiều hôm đang làm mà bỗng dưng bụng đau dữ dội, nổi cục quặn đau, có khi đau bụng kéo dài, tiêu chảy cả ngày liền khiến anh không thể làm ăn gì được nữa.

Cách đây vài ngày khi đang bốc dỡ những bao hàng thuộc loại nhẹ, bỗng nhiên những cơn đau lại kéo đến từng cơn, từng cơn hành hạ anh khiến anh không chịu nổi. Anh em cùng làm việc vội vã gọi taxi đưa anh nhập viện để được các bác sĩ kiểm tra.

Qua nhiều xét nghiệm, bác sĩ kết luận hàm lượng glucose trong máu cao hơn bình thường rất nhiều, do đó rất dễ có nguy cơ đái tháo đường tuýp 1 nếu không có những bước đề phòng cần thiết. Các bác sĩ cho rằng chế độ ăn uống của anh Hà không hợp lý, không đúng giờ giấc, ăn nhanh và làm việc quá sức trong thời gian dài làm cho bệnh tình của anh ngày một nặng.

Ăn chậm giúp điều chỉnh đường huyết

Theo Ths.BS. Nguyễn Huy Cường (Phòng khám Nội Tiết-ĐTĐ, Thái Hà, Hà Nội): Người bệnh đái tháo đường ăn nhanh sẽ làm tăng lượng đường huyết có sẵn trong thức ăn, làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn, đồng nghĩa với tăng hàm lượng calories tiêu thụ so với mức yêu cầu cần thiết.

Chính vì lượng đường hấp thụ quá lớn mà lại không được lưu thông sẽ gây ra những bất lợi cho cơ thể. Điều này rõ ràng sẽ khiến bệnh nhân tăng cân. Trái với ăn nhanh, ăn chậm sẽ khiến bạn có cảm giác no sớm hơn và tiêu hóa tốt hơn nhiều. Đây cũng là những yếu tố làm cho bệnh đái tháo đường ngày một tăng.

Bác sĩ Cường cũng cho biết thêm, một chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh và khoa học đóng một vai trò quyết định trong việc duy trì và bảo vệ sức khỏe của con người nói chung và bệnh đái tháo đường nói riêng. Bên cạnh đó là các bài tập thể dục thường xuyên có thể giúp những người mắc đái tháo đường kiểm soát tốt hơn lượng glucose có trong máu. Ngoài ra, các nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đái tháo đường tăng cao như yếu tố di truyền, rượu, thuốc lá… thì ăn nhanh cũng có một phần đóng góp không nhỏ làm gia tăng tỷ lệ này.

Còn theo nghiên cứu mới do nhà khoa học Roger Dobson (Mỹ) công bố trên tạp chí Dailymail của Anh trong thời gian gần đây đã cho thấy, những người ăn nhanh có khả năng hấp thụ gấp hai lần lượng glucozo trong thực phẩm so với người ăn chậm. Điều đáng ngạc nhiên là kết quả này không chỉ đúng với các bữa ăn chính mà còn đúng với việc ăn vặt và ăn đêm.

Trong khoảng 10 năm tới, số người có nguy cơ mắc đái tháo đường có thể sẽ tăng vọt nếu không có những khuyến cáo và biện pháp ngăn chặn kịp thời. Theo dự đoán của các chuyên gia, con số này có thể chiếm tới 40 hoặc 50% dân số các quốc gia.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG