Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc cai rượu

Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet
TPO - Muốn cai rượu phải kết hợp nhiều yếu tố, gồm có sự quyết tâm của người bệnh, sự giúp đỡ của gia đình và xã hội, việc điều trị phải tiến hành lâu dài với sự theo dõi của thầy thuốc. 

Vì rượu tác hại cùng lúc đến nhiều cơ quan như não, thần kinh ngoại biên, cơ, cơ tim, gan, tụy, dạ dày và cả tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu thiamin… nên cần ngưng rượu hoàn toàn, bổ sung các chất dinh dưỡng và vitamin, điều trị các bệnh lý kèm theo nếu có; có thể sử dụng thuốc an thần để người cai rượu ngủ yên giấc với điều kiện chức năng gan còn tốt.

Gây nôn bằng Apomorphin 1% : cho bệnh nhân ngửi Apomorphin 1% sau 1 đến 3 phút, khi bệnh nhân xuất hiện cảm giác buồn nôn thì cho uống 30 - 50ml rượu, người nghiện sẽ nôn ra rượu. Làm mỗi ngày một lần, khoảng 15 - 20 ngày. Sau một hai tháng nên làm lại để củng cố phản xạ uống rượu vào là nôn ra. Cần chú ý không được áp dụng phương pháp này cho người trên 60 tuổi, cơ thể suy yếu và mắc bệnh ở đường tiêu hóa.

Gây mẫn cảm bằng Disulfiram: Phương pháp này làm cho người nghiện rượu mãn tính mất khả năng chuyển hóa rượu. Bình thường khi vào cơ thế, rượu được hấp thu vào máu và chuyển hóa ở gan do hai enzym: alcohol dehydrogenase chuyển rượu thành acetaldehyde (rất độc với cơ thể) và aldehyde dehydrogenase chuyển acetaldehyde thành acid acetic (không độc). Disulrlram cản trở sự chuyển hóa rượu làm sự chuyển hóa này dừng lại ở giai đoạn acetaldehyde, nên cơ thể bị nhiễm độc. 

Phản ứng xảy ra 15 - 20 phút sau khi uống rượu và có những biểu hiện: nhức đầu, đỏ mặt do xung huyết, khó thở, thở dồn dập, tim đập nhanh hạ huyết áp, vã mồ hôi, lo âu, mệt lả và lú lẫn; nặng hơn, người nghiện có cảm giác sợ hãi, da tái nhợt, chóng mặt, trụy tim mạch, nôn, rét run. 

Chăm sóc bằng cách đặt nằm thoải mái và tiêm thuốc trợ tim, kích thích hô hấp, thở oxy thì các phản ứng sẽ hết. Phương pháp này phải được làm ở cơ sở chuyên khoa do tự tay bác sĩ thực hiện, một đến hai lần trong một tuần, kết quả: người nghiện sợ uống rượu và ngưng rượu thời gian dài.

Chú ý: phương pháp này không dùng được ở người trên 60 tuổi, người mắc bệnh viêm đa dây thần kinh, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, lao, loét dạ dày - tá tràng. Khi uống Disulfiram, các hiện tượng suy nhược, uể oải, buồn ngủ, giảm sút tâm thần có thể xuất hiện; khắc phục các hiện tượng này bằng cách giảm liều thuốc hoặc chuyển sang dùng vào buổi tối.

Naltrexon: bản chất naltrexon là thuốc giải độc, đối kháng với morphin. Người ta thường dùng thuốc này để hỗ trợ cai nghiện ma túy. Thuốc được cho là có tác dụng sửa chữa rối loạn hệ thần kinh như làm tăng hoạt động của chất sinh học dẫn truyền thần kinh là GABA, làm giảm sự thèm rượu của người nghiện. Tuy nhiên, hiệu quả không cao vì người nghiện rất khó tuân thủ điều trị dài ngày.

Người nghiện rượu rất dễ tái nghiện, nếu không dùng thuốc thì trong một thời gian ngắn đâu sẽ vào đấy, cần phải điều trị phòng tái phát lâu dài và đòi hỏi người nghiện phải có ý chí, quyết tâm cao từ bỏ rượu. 

Tất cả các thuốc điều trị nghiện rượu đều có tác dụng phụ với mức độ khác nhau, thậm chí nặng nề, chứ không có thuốc nào hoàn toàn vô hại. Bởi vậy, tốt nhất phải được bác sĩ khám để có các chỉ định dùng thuốc cai rượu một cách thích hợp. Và nếu được dùng thì phải theo đúng chỉ dẫn. Cùng lúc với phương pháp cai rượu, người nghiện luôn luôn cần đến sự quan tâm chăm sóc và tình yêu thương của người chung quanh để giúp họ vượt giai đoạn khó khăn lệ thuộc rượu.

MỚI - NÓNG