Mất mạng vì giao sức khỏe cho 'bác sĩ' Google

Người bệnh cần đến các trung tâm y tế để khám chữa trị thay vì tự chữa bệnh bằng tra cứu trên mạng Internet.
Người bệnh cần đến các trung tâm y tế để khám chữa trị thay vì tự chữa bệnh bằng tra cứu trên mạng Internet.
Hội chứng tự chữa bệnh theo “bác sĩ” Google đang ngày càng thịnh. Không ít người phải ôm biến chứng, mất tiền - hại người vì làm theo chỉ dẫn chữa bệnh từ thông tin tìm kiếm được trên các trang web, diễn đàn. Một cô gái 18 tuổi vừa tử vong sau 12 ngày nhịn ăn với hy vọng cải thiện vóc dáng 80kg của mình, theo chỉ dẫn của trang web về khí công y đạo.

Nhiều thông tin sức khỏe trên mạng là sai

PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai đã có lần dẫn chứng: “Theo một kết quả nghiên cứu của Anh trên 19 website không chuyên nhưng rất hay đưa những thông tin về sức khoẻ, có đến 10 website đưa tin sai nghiêm trọng, chỉ có 9 website có thể dùng được. Tuy nhiên, trong 9 website có thể dùng được lại chỉ có 1 cái đáng tin cậy, còn 8 cái lúc thì thông tin đúng, lúc sai”.

“Quần áo mua về đổi được chứ thuốc đã uống thì không lấy ra khỏi người được” - Th.S – BS Mai Trọng Hưng – Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội nhận định. BS Hưng cho biết thêm: “Đã có rất nhiều sản phụ ngôi ngược làm theo chỉ dẫn trên các diễn đàn là cứ đi bộ nhiều, cứ bò, chổng mông... ngôi sẽ xuôi. Tôi khẳng định tất cả những điều đó không thể giúp bình chỉnh thai về bình thường được. Bởi nguyên nhân ngôi ngược cản trở đường quay của thai có thể do dị tật ở tử cung, 1 phần dây nhau quấn cổ... Hoặc bị viêm đa ối, trên mạng có người chia sẻ kinh nghiệm là uống râu ngô, bông mã đề. Điều này cũng không hiệu quả. Theo BS Hưng, khi có bệnh thì có thể đọc và tham khảo thông tin trên mạng là bệnh đó thì khám ở đâu, bệnh viện nào, biết phải khám BS ngay chứ không nên chần chừ, kẻo quá muộn.

Tiêu dùng “Google” cũng phải thông thái

BS Trần Văn Học – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi T.Ư - cho rằng: Nên tìm hiểu các trang mạng chính thống, được kiểm soát thông tin về sức khỏe như Bộ Y tế, sở y tế, các BV, viện nghiên cứu trong lĩnh vực này. Nhưng cũng chỉ coi đó là nguồn tham khảo chứ không phải chỉ dẫn uống thuốc này, chữa bệnh kia. Cùng một bệnh ở mỗi cơ thể sẽ khác nhau, người mẫn cảm với thuốc nào đó thì phải dùng thuốc khác, ở giai đoạn bệnh nặng – nhẹ, ở bộ phận đầu – cuối thì liều lượng khác nhau... Hơn nữa, nhiều trang web đưa các thông tin không khách quan, vì lợi ích kinh tế nào đó.

Phổ biến hiện nay là việc mua và dùng thực phẩm chức năng. Nhiều người vẫn cho rằng, đó chỉ là bổ sung vitamin thì không có hại gì nên cứ mua và uống theo web bán hàng hoặc diễn đàn. Nhưng uống thuốc bổ vô tội vạ, không có kế hoạch, lâu dần bộ máy có nhiệm vụ sản sinh ra một loại vitamin đó sẽ bị chai lỳ, không hoạt động nữa. Vì vậy, uống thuốc bổ cũng cần theo chỉ dẫn của BS.

BS Nguyễn Hoàng Hải - khoa Khám bệnh, BV Việt Đức - cũng chia sẻ mẹo tham khảo thông tin trên mạng: “Như viêm họng cũng có rất nhiều nguyên do, virus, vi khuẩn, có thể đã biến chứng xuống phế quản, xuống phổi thì phải thăm khám mới biết. Nhiều bệnh còn cần phải làm nhiều thủ thuật xét nghiệm, chụp chiếu, nội soi phức tạp mới biết được chính xác. Nếu cứ tra trên mạng thuốc viêm họng, có ngày nhập viện vì suy hô hấp. Vì thế, có thể tham khảo thông tin trên mạng để hiểu về cơ bản bệnh. Để khi gặp BS và được hướng dẫn, sẽ nắm bắt thông tin nhanh hơn. Thậm chí, trong tình huống không mong đợi là gặp BS dỏm, thầy lang băm, với bệnh không phải mổ mà BS dỏm cứ phán là phải mổ, không điều trị được bằng đông y mà cứ uống thuốc đông y cũng “lọc” được cho mình”.

BS Học cũng đã nhắc đến châm ngôn trong ngành y “Chữa người bệnh chứ không phải chữa ca bệnh”. Cùng một bệnh nhưng không có công thức chung, mà phải căn cứ vào từng trường hợp. Và nói cho cùng “sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Vậy hãy để những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản chăm sóc cho vốn quý đó...

Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG