Mặt non so với tuổi, coi chừng trẻ bị chậm tăng trưởng

TPO - Việc trẻ chậm tăng trưởng chiều cao mặc dù có cân nặng bình thường, vẻ mặt “non” hơn so với tuổi, đi kèm một số dấu hiệu như sứt môi, chẻ vòm,…có thể là biểu hiện của chậm tăng trưởng ở trẻ.

Ngày 13/6, đại diện BV Đại học Y dược TPHCM cho biết BV này vừa tiếp nhận một số trẻ bị chậm tăng trưởng trầm trọng do suy tuyến yên. Trong đó, bệnh nhi tên  N.T.P (ngụ ở TPHCM) dù đã 11 tuổi, nhưng chỉ cân nặng 23 kg và cao 115 cm, thấp hơn người em họ cùng tuổi gần 10 cm.

Khi đến trường, bé P. thường bị bạn bè hiếp đáp, trêu chọc bằng những biệt danh không hay vì chiều cao thấp bé của mình. Bố mẹ bé lo lắng nên đã mua nhiều loạt sữa giàu canxi cho con mình sử dụng nhưng không thấy khả quan. Lâu dần, bé sinh ra tâm lý tự ti, mặc cảm và khó hòa nhập tập thể.

Theo TS BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – Phòng khám Nhi BV Đại học Y dược TPHCM, bé được chẩn đoán thấp bé do suy tuyến yên và được điều trị bằng hormone tăng trưởng. “ Sau một thời gian, kết quả điều trị có tín hiệu khả quan, năm đầu tiên bé tăng 10 cm, năm kế tiếp bé tăng thêm 7 cm. Hiện tại bé vẫn đang tiếp tục điều trị nhưng đã tự tin, vui tươi hơn trước và không còn mặc cảm về chiều cao của mình.”, BS Quỳnh cho biết.

Mặt non so với tuổi, coi chừng trẻ bị chậm tăng trưởng ảnh 1 Biểu đồ tăng trưởng ở bé

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng,... Theo nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4000. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải (chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não), một số khác không xác định được nguyên nhân.

Mặt non so với tuổi, coi chừng trẻ bị chậm tăng trưởng ảnh 2 BS Quỳnh đang thăm khám cho bé

“Những biểu hiện như lùn, chậm tăng trưởng chiều cao, trẻ có cân nặng bình thường nên có dáng vẻ mập mạp, vẻ mặt “non” hơn so với tuổi, có thể có một số dấu hiệu đi kèm như sứt môi, chẻ vòm,…  có thể là những biểu hiện cho thấy trẻ bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu, chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm  thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt. Như vậy, trẻ có thể đạt được chiều cao bình thường khi trưởng thành.”, BS Quỳnh khuyến cáo.

MỚI - NÓNG