Món ăn độc hại được nhiều trẻ mê mẩn

Các cháu ăn nhưng đâu biết nó có tốt cho sức khỏe hay không? (Ảnh: Minh Chiến)
Các cháu ăn nhưng đâu biết nó có tốt cho sức khỏe hay không? (Ảnh: Minh Chiến)
Phó giáo sư trong lĩnh vực thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh nói về ‘hương bò thơm cay’ mà nhiều phụ huynh cho rằng sản xuất từ xốp.

Học sinh đổi sữa lấy ‘Hương bò thơm cay’

Tại trường Phổ thông cơ sở Thực nghiệm, nơi nổi tiếng là khó vào học ở Hà Nội, ở đây, tập trung đa số là những học sinh xuất thân từ gia đình có điều kiện. Các cháu không thiếu đồ ăn, uống hàng ngày.

Ở trường, các cháu được chăm lo rất chu đáo: ăn cơm trưa, quà chiều. Tuy nhiên, vì còn nhỏ nên thấy hàng quà vặt cạnh cổng trường, các cháu vẫn mua.

Theo cháu N.T.N, học sinh lớp 3, trước đây, có học sinh mang tiền đến lớp để mua quà vặt. Nhưng thời gian gần đây, cô hiệu phó đã yêu cầu học sinh không được mang tiền đến lớp. Và việc mua đồ ăn vặt ở cổng trường đã hạn chế nhiều.

Tuy nhiên, có một hình thức khác, các cháu vẫn có thể có đồ ăn vặt ở cổng trường qua hình thức trao đổi.

Cháu A.T, học sinh lớp 1, cho biết: Một bạn trong lớp dùng sữa mà bố mẹ đưa con mang đến lớp uống để đổi lấy nem chua hoặc ‘hương bò thơm cay’ mà các cháu vẫn gọi là ‘thịt bò’.

Cháu A.T. kể: Bạn cùng lớp đổi được ‘thịt bò’ và xé ra cho cháu ăn. Tuy nhiên, mẹ cháu dặn đó là cao su chứ không phải thịt bò nên cháu không bao giờ ăn.

Chị N.Q.N, phụ huynh học sinh tại trường này cho biết: Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy có vài cháu xé túi ‘thịt bò’ này ra ăn. Nhưng theo tôi, đó không thể là thịt bò. Thứ mà bọn trẻ gọi là ‘thịt bò’ được cắt miếng to, mỏng, có kẻ rãnh rất đều đặn. Mà ăn như vậy tôi e ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu.

Tại trường này, phóng viên không khó để mua đồ ăn vặt được các cháu ưa chuộng với giá rất rẻ. Mua một gói ‘Hương bò thơm cay’ và gói nhỏ có vị gần giống gói ‘Hương bò thơm cay’ nhưng toàn chữ Trung Quốc chỉ mất 5.000 đồng.

Món ăn độc hại được nhiều trẻ mê mẩn ảnh 1

Hương bò thơm cay giá chỉ 2.500 đồng/gói. (Ảnh: Ng.Tâm)

Người bán hàng cho biết: “'Hương bò thơm cay' được nhiều cháu thích vì nó thơm thơm, cay cay dễ ăn, giá lại rẻ. Nó làm từ bột mỳ chứ không phải thịt bò đâu”.

Chuyên gia thực phẩm nói gì?

Theo quan sát của phóng viên, trên bao bì gói ‘Hương bò thơm cay’ của công ty TNHH SASA Hà Nội ghi ‘snack bột mỳ 3K’ với thành phần gồm bột mỳ, đường, muối, mỳ chính, dầu, màu thực phẩm 110, 124, hương bò, ớt, hồi quế.

Khi mở ra, gói ‘Hương bò thơm cay’ nồng nặc mùi hắc, nồng cay khó chịu. Cháu N.TN cho biết: Cháu từng ăn thử ‘thịt bò’ này nhưng cay quá nên vứt bỏ.

Trao đổi với phóng viên VTC News, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết: Nếu trên gói ‘Hương bò thơm cay’ ghi đầy đủ thành phần và thực tế được làm từ những nguyên liệu như vậy thì không có gì độc hại. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu không rõ xuất xứ thì có thể không tốt cho sức khỏe.

Nhưng có một điều mà người Việt chưa chú ý, dù là những phụ gia thực phẩm được phép sử dụng cũng chỉ trong giới hạn hàm lượng được phép. Và phải tính xem mỗi ngày, mỗi kg cân nặng được tiêu thụ bao nhiêu phụ gia thực phẩm. Nếu dùng quá, cũng nguy hại sức khỏe.

Theo ông Thịnh, công nghệ sản xuất thì mỗi doanh nghiệp, mỗi nước có cách làm khác nhau. Nếu thành phần chủ yếu của ‘Hương bò thơm cay’ làm từ bột mỳ thì quy trình sản xuất cơ bản vẫn là bột mỳ được trộn với nước. Nước này đã được cho phụ gia. Sau đó, bột mỳ được chiên hoặc nén áp suất cao để nổ thành snack.

Khi được hỏi, với giá chỉ 2.500 đồng/gói thì có phải là bột mỳ thật hay làm từ cao su, xốp, ông Thịnh cho rằng, bột mỳ và hương liệu, màu đều rất rẻ nên dù chỉ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/gói ‘Hương bò thơm ngon’ 30g, người sản xuất, người bán đều có lãi.

Đối với những đồ ăn vặt có bao bì chữ Trung Quốc, ông Thịnh khẳng định, kinh doanh như vậy là vi phạm pháp luật Việt Nam. Vì mọi hàng hóa bán tại thị trường Việt phải có bao bì ghi bằng tiếng Việt.

Nếu là hàng nhập khẩu cần có nhãn phụ bằng tiếng Việt dán kèm. Nếu không có nhãn tiếng Việt, chứng tỏ đó là hàng lậu và không qua đăng ký chất lượng.

Như vậy, sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. Biết đâu, bột, hương bò làm nên đồ ăn đó không đảm bảo? Nhất là trẻ con ăn vào sẽ rất hại sức khỏe.

Về việc làm thế nào để bảo vệ các cháu học sinh khỏi thực phẩm không an toàn, ông Thịnh tư vấn, cần có đoàn kiểm tra liên ngành giáo dục, y tế. Nếu phát hiện bán đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ cần tịch thu, tổ chức tiêu hủy trước mặt các cháu học sinh để các cháu hiểu không nên ăn những thực phẩm như vậy.

“Ngoài ra, tôi cũng muốn nhắc các bậc phụ huynh. Người mẹ mà vớ cái gì cho con ăn cái đó thì con dễ mắc bệnh tật. Bố mẹ cần dạy con không nên mua đồ ăn trước cổng trường, dạy các cháu cách nhận biết sản phẩm an toàn. Khi mua thực phẩm cần đọc nhãn mác trước khi sử dụng”, PGS Thịnh nói.

Theo Nguyễn Tâm

Theo VTC News
MỚI - NÓNG