Một phụ nữ dị ứng nghiêm trọng do tự tiêm chất làm đẹp

TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh nói về trường hợp làm đẹp bị biến chứng của nữ bệnh nhân 40 tuổi.
TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh nói về trường hợp làm đẹp bị biến chứng của nữ bệnh nhân 40 tuổi.
TPO - Ngày 26/5, tại BV Trưng Vương, TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ (khoảng 40 tuổi) bị dị ứng nghiêm trọng do tự tiêm các chất làm đẹp da vào cơ thể.

Để trùng tu nhan sắc, người phụ nữ này đã tin tưởng đến spa của người quen, tiêm 3 loại sản phẩm có tác dụng làm căng mịn, sáng da và xóa nếp nhăn vào vùng cổ.

Khi về nhà, chị cảm thấy ngứa, mẩn đỏ vùng cổ nhưng nghĩ là do mới tiêm thuốc nên phản ứng là bình thường. Khi tình trạng ngày càng lan rộng, vùng tiêm tấy đỏ và ngứa không cải thiện, chị mới tìm đến BV Trưng Vương chữa trị. 

TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh cho hay, 3 chất tiêm vào cơ thể của bệnh nhân thực chất chỉ được khuyến cáo dùng ngoài da chứ không phải để tiêm vào cơ thể. Tuy nhiên không hiểu sao cơ sở đó lại trộn lẫn và tiêm cho bệnh nhân nên dẫn đến tình trạng viêm nhiễm vì bị kích ứng.

BS Khanh bức xúc, tình trạng tự ý bơm các chất làm đẹp, làm đầy, bơm silicon vào cơ thể đã được các bác sĩ khuyến cáo mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều phương tiện truyền thông; nhưng không hiểu sao gần như tuần nào, tháng nào, bệnh viện cũng tiếp nhận các trường bệnh nhân đến các spa làm đẹp để bơm các chất ấy vào cơ thể.

“Tôi rất buồn vì nhiều bệnh nhân là dân trí thức, thông dụng công nghệ thông tin, lướt mạng hàng ngày nhưng vẫn tự ý dùng các chất làm đẹp ở những cơ sở không đủ chuyên môn, đến khi tình trạng viêm nhiễm trầm trọng thì mới đến bệnh viện” – BS Khanh nói. Một số trường hợp đến bệnh viện điều trị thì cho biết họ chỉ mới chích cách đây mấy tháng. Điều đó có nghĩa là tình trạng những cơ sở thẩm mỹ tự chích silicon lỏng cho khách vẫn còn rất nhiều.

Hiện, BS Khanh đang mổ 1 ca bơm silicon lỏng vào ngực để làm đẹp. Bệnh nhân là phụ nữ khoảng 30 tuổi. Sau một thời gian, silicon này đã chảy xuống phần bụng trên. Các bác sĩ đã cắt bỏ hai mô tuyến vú có lẫn silicon, lấy toàn bộ silicon ra ngoài. Tuy nhiên, việc lấy silicon này chỉ giảm thiểu một phần trong cơ thể, chứ không thể lấy hết được. Những phần silicon còn lại nếu biến chứng thì chắc chắn phải tiếp tục mổ. Khi silicon đã ăn vào da thì phải cắt bỏ toàn bộ những phần da, mô đã bị silicon “ăn” vào. Biến chứng để lại do silicon rất nặng nề - TS Khanh nói.

Theo BS Khanh, phụ nữ muốn làm đẹp thì nên tìm hiểu kỹ các cơ sở mà mình chọn được phép làm những chức năng gì. “Để tránh bị biến chứng làm đẹp phải biết được chất tiêm vào cơ thể là chất gì, có đảm bảo hay không, tránh trường hợp chỉ nghe thông tin từ cơ sở làm đẹp quảng cáo” - Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Trưng Vương khuyến cáo.

MỚI - NÓNG